(GD&TĐ) - Hôm nay (23/12), Lễ Công bố năm 2012 là "Năm làng nghề truyền thống Việt Nam" đã được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh, một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc màu làng nghề trên quê hương nhà Lý" diễn ra từ ngày 21/12 đến ngày 24/12, tại Khu Di tích Lịch sử văn hóa Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2012 được chọn là Năm làng nghề truyền thống Việt Nam (Ảnh: gdtd.vn) |
Năm làng nghề truyền thống Việt Nam 2012 sẽ tập trung vào các vấn đề: Phát triển văn hóa, du lịch làng nghề; Quy hoạch và chống ô nhiễm môi trường làng nghề; Công tác truyền dạy nghề, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống.
Đi dọc chiều dài Đất nước, bất cứ nơi đâu cũng có làng nghề truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề, phố nghề vẫn tồn tại. Đây là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hoá kết tinh qua mấy nghìn năm lịch sử dân tộc.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, việc bảo tồn các giá trị bản sắc văn hoá của mỗi vùng, mỗi địa phương, đang là một vấn đề thời sự, trong đó bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể và phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống là không thể thiếu trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc.
Dù còn phải đối mặt với một số khó khăn, song các làng nghề đang là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy đời sống, kinh tế xã hội ở địa bàn nông thôn, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, vững bước đồng hành với phong trào “Xây dựng nông thôn mới” theo các tiêu chí mới mà Nhà nước đã phát động.
Ngày hội góp phần triển khai nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt, kỷ niệm 22 năm xây dựng lại Đền Đô và ngày đầu tiên Bác Hồ về thăm Đình Bảng - quê hương nhà Lý, 100 năm từ Bến Nhà Rồng Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911-2011); Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", cả nước hướng về Biển đảo quê hương.
Tôn vinh Làng nghề truyền thống Việt Nam
Tại hội trường lớn Đền Đô là các gian trưng bày của các làng nghề truyền thống tiêu biểu: Gỗ Đồng Kỵ, Vạn Điểm; Mộc La Xuyên, Kim Bồng, gỗ tượng Sơn Đồng, Gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, gốm Luy Lâu, Bầu Trúc; Làng Ngòi, Đồng Đại Bái, Đồng Xâm, Phước Kiều; Mây tre đan Chương Mỹ, quạt Chàng Sơn; Nón Chuông, thêu Quất Động; Thổ cẩm Mai Châu, Ninh Thuận; Lụa Vạn Phúc; Sừng Thụy Ứng; Tranh kính Hà Đông; Tranh dân gian Hàng Trống; Đông Hồ; Khảm trai Chuôn Ngọ; Sơn mài Duyên Thái; Điêu khắc đá Ninh Vân - Hoa Lư; Diều Huế, TP. Hồ Chí Minh; Lồng đèn Hội An; CLB nghệ thuật thư pháp Hương Nam...
Với chủ đề "Phố xưa nghề cổ", 36 gian hàng thủ công mỹ nghệ được dựng theo mô tuýp dân gian giới thiệu sản phẩm dành cho các làng nghề, phố nghề Hà Nội, Bắc Ninh và vùng miền cả nước tham gia trưng bày.
Cùng với không gian “phố xưa nghề cổ” giới thiệu chủ đề nếp sinh hoạt truyền thống của “Gia đình Tam Nông”, dụng cụ sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt đời thường được lưu giữ, những đồng tiền cổ quý của các bộ sưu tập qua các triều đại: Lý, Trần, Lê đến thời đại Hồ Chí Minh và nhiều Quốc gia, khu vực trên thế giới có niên đại hàng trăm năm....
Hình ảnh cột mốc Đảo Trường Sa được Binh chủng Hải Quân rước về đền Đô (Ảnh: gdtd.vn) |
Đặc biệt, triển lãm, giới thiệu tư liệu, hình ảnh về huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” hình ảnh Bác Hồ với Hải quân, san hô quý từ quần đảo Trường Sa do Bảo tàng quân chủng Hải quân phối hợp với BTC thực hiện.
Điểm nhấn thu hút sự quan tâm tại gian trưng bày với hiện vật quý là hình ảnh cột mốc Đảo Trường Sa đặt trên nền khối san hô lớn đã được Binh chủng Hải Quân thực hiện từ Quần đảo Trường Sa và rước về Đền Đô trong không khí tôn nghiêm, trang trọng, nhắc nhở chúng ta về lòng tự tôn dân tộc và niềm tự hào đối với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lộc Hà