Nặc danh do thiếu dân chủ hay cơ chế?

Nặc danh do thiếu dân chủ hay cơ chế?

(GD&TĐ) - Tại buổi họp báo công bố kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý II/2012 do Thanh tra Chính phủ tổ chức, đã có những cứ liệu rất đáng lưu ý, đó là số đơn thư tố cáo tăng 4,86% so với 6 tháng đầu năm 2011. Trong thực tế, tăng nhiều nhất vẫn là đơn thư nặc danh, vượt cấp với mức độ gay gắt, phức tạp.

(ảnh MH: Internet)
(ảnh MH: Internet)

Trước hết, hãy trở về với bản chất của tố cáo. Tố cáo và giải quyết tố cáo là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Loại trừ yếu tố tiêu cực, lợi dụng và lạm dụng tố cáo gây mất ổn định xã hội thì tố cáo, giải quyết tố cáo phản ánh trình độ nhận thức chung của xã hội, trách nhiệm của công dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, cấp độ phát triển của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng là thước đo của nền dân chủ ở mỗi quốc gia.

Ở khía cạnh tích cực, rất cần có sự giải quyết đơn thư tố cáo của công dân, nhằm phát hiện tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch xã hội. Không cần nói đâu xa, ở bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào đó, nếu việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không tới nơi, tới chốn, sẽ dẫn tới sự mất đoàn kết nội bộ kéo dài.

Dự thảo Luật tố cáo được ban hành cuối năm 2011 gồm 9 chương, 12 điều nhằm thực hiện quyền tố cáo, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo cũng như cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc không giải quyết các đơn thư nặc danh, vượt cấp có phải là giải pháp tốt hay không, khi những đơn thư, nặc danh ấy có đầy đủ chứng cứ mang tính pháp lý và nhờ đó mà cơ quan chức năng phát hiện, phanh phui được những vụ việc tiêu cực.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao ở các cơ quan, ban ngành, địa phương đều có triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhưng số lượng đơn thư nặc danh vẫn chiếm tỷ lệ đa số? 

Qua thăm dò thực tế cơ sở, sở dĩ đơn thư nặc danh (không ghi rõ họ tên, địa chỉ) còn nhiều là do người tố cáo sợ bị trù dập hoặc sợ bị trả thù cá nhân. Có khá nhiều trường hợp, CBCC viết đơn tố cáo cấp trên của mình đã không được giải quyết lại dẫn tới định kiến âm ỉ, lợi dụng sơ hở để quy chụp; hậu quả có thể là bị cắt thi đua, hạ ngạch lương hay bị sa thải. Nếu chờ đến sự can thiệp của cấp chức năng cao hơn thì rơi vào tình trạng “được vạ má sưng”. 

Để hạn chế tới mức thấp nhẩt các đơn thư nặc danh, có lẽ không có giải pháp nào tốt hơn là thực hiện đúng quy chế về dân chủ cơ sở. Người đứng đầu phải là người có uy tín cao về cả chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức để khi triển khai quy chế dân chủ không rơi vào bệnh đối phó, hình thức. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ theo hướng “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” phải có tính nhất quán, thường xuyên và khoa học. Một không khí dân chủ, thực sự cởi mở sẽ loại bỏ được hiện tượng bằng mặt không bằng lòng, khơi dậy ý thức làm chủ tập thể, vì lợi ích tập thể của mỗi một công dân.             

Ngoài tăng cường dân chủ ở cơ sở, cũng nên có sự đổi mới về cơ chế thanh tra, giải quyết tố cáo. Theo dự thảo luật, thủ trưởng cơ quan hành chính có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người do mình quản lý trực tiếp. Nếu người bị tố cáo là thủ trưởng thì người chịu trách nhiệm giải quyết là cấp trên quản lý trực tiếp. Quy định như vậy đã tạo ra kẽ hở cho hiện tượng ê kíp, lợi ích nhóm đang khá phổ biến hiện nay: Liệu người bị tố cáo có quan hệ riêng tư thân thiết nào đó thủ trưởng thì vụ việc có được giải quyết theo hướng có lợi cho người tố cáo hay không? Hay nếu người tố cáo đưa ra nhiều chứng cứ đúng mà chỉ có một vài chứng cứ bị sai thì thủ trưởng có được quyền vin vào đó mà quy ngược trở lại tội “tố cáo sai sự thật” cho cấp dưới quyền đứng ra tố cáo hay không? 

Thiết nghĩ, để chống tham nhũng một cách hiệu quả, phải tăng cường dân chủ cơ sở và xem xét vận dụng luật thanh tra, giải quyết tố cáo trên tinh thần khách quan, khoa học và công tâm.    

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ