Thầy trò hụt hẫng vì cắt chế độ, chính sách hỗ trợ

GD&TĐ - Dù vẫn công tác tại những vùng khó khăn nhưng nhiều giáo viên, học sinh không còn được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Thu Lũm. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Thu Lũm. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Nguyên nhân bởi địa phương được công nhận nông thôn mới hoặc có quyết định trở thành vùng thuận lợi.

Thoát nghèo nhưng vẫn khó

Hơn 35 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Thị Dạ Thảo - Trường Tiểu học Hưng Phong (Giồng Trôm, Bến Tre) cho hay, hiện thu nhập mỗi tháng được hơn 12 triệu đồng. Trước đó, cô và các đồng nghiệp trong trường được hưởng phụ cấp thu hút 3 năm do trường đứng trên địa bàn xã bãi ngang, ven biển.

Tháng 10/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP “Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn”. Nghị định có hiệu lực, cô Dạ Thảo và các đồng nghiệp bị cắt phụ cấp thu hút do xã Hưng Phong không thuộc phạm vi điều chỉnh.

“Bị cắt phụ cấp thu hút nên thu nhập của tôi giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 353/QĐ-TTg phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Quyết định này, Hưng Phong được công nhận xã đảo thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đối chiếu với Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, thì nơi tôi công tác thuộc phạm vi điều chỉnh. Theo đó, chúng tôi thuộc đối tượng được hưởng chế độ, chính sách của Nghị định này. Song đến nay, chúng tôi vẫn chưa được thụ hưởng” – cô Dạ Thảo chia sẻ.

“Việc cắt chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh khiến nhiều phụ huynh hụt hẫng. Rất may, tỉnh Lai Châu có chế độ, chính sách hỗ trợ cho những học sinh này. Qua đó phần nào chia sẻ khó khăn cho các em. Tuy nhiên, lại xảy ra tình trạng có nhiều chế độ chính sách khác nhau được áp dụng cho học sinh trong cùng một lớp học” – thầy Linh cho hay.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu), thầy Phó Hiệu trưởng Lê Khắc Linh cho biết, trường có gần 270 học sinh, trong đó khoảng 100 học sinh không được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn”. Đây là những học sinh có hộ khẩu ở các bản thuộc diện nông thôn mới nhưng vẫn là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Còn nhiều bất cập

Cho rằng, việc áp dụng chính sách theo các khu vực dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều bất cập, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) viện dẫn, trong các khu vực không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi chính sách, vẫn có những nhóm dân cư, đối tượng có đời sống, điều kiện kinh tế khó khăn hơn so với khu vực được hưởng thụ.

Vô hình trung dẫn đến sự chênh lệch, bất bình đẳng trong việc phân bổ chính sách, nhất là các chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Điều này tác động không tốt đến nhóm đối tượng trẻ em, học sinh. “Trong cùng một lớp học nhưng học sinh thụ hưởng các chính sách khác nhau đang hiện hữu” - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu thực trạng.

Cô Nguyễn Thị Dạ Thảo và các học trò. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Dạ Thảo và các học trò. Ảnh: NVCC

Trước đây, nhiều giáo viên dạy học ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ… Trong đó có 70% phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch, tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

Nhờ các chính sách trên, giáo dục, đào tạo ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển biến rõ nét ở các cấp học, bậc học. Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị Minh - Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, nhiều địa phương được công nhận nông thôn mới, hoặc thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên các khoản phụ cấp và trợ cấp nêu trên bị cắt. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cũng quan ngại, nguy cơ bỏ học giữa chừng có thể sẽ tăng lên, mục tiêu nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số khó đạt được. Vấn đề này không phù hợp với xã nông thôn mới.

Bà Minh kiến nghị, Nhà nước, chính quyền địa phương cần có cơ chế đặc thù cho giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, có thể ban hành chính sách thay thế, để bù đắp lại những khoản phụ cấp, trợ cấp mà thầy - trò đã được hưởng trước đây. Hoặc có thể, kéo dài thời hạn được hưởng các chế độ, chính sách trước đó để thầy – trò yên tâm dạy và học.

Ngoài ra, các địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tế để nâng mức trợ cấp về chi phí học tập, sinh hoạt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc, miền núi trên địa bàn các địa phương.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc, miền núi. Cần tích cực, chủ động huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ, đầu tư giáo dục những vùng này.

Nhấn mạnh, một trong những giải pháp để duy trì tỷ lệ trẻ đến trường là tiếp tục cho các em được hưởng bữa ăn trưa, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nhìn nhận, thời gian tới cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển giáo dục khu vực miền núi và đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, cần thực hiện tốt một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia là, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, tất cả các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo dục mầm non, chính sách đối với nhà giáo, chính sách thu hút cán bộ đến vùng đặc biệt khó khăn… đều ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Do vậy, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ sẽ điều chỉnh, sửa đổi các chính sách này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.