Điều làm giới phân tích phải suy ngẫm rằng lá cờ của liên quân đã hạ nhưng những vấn đề nóng hổi nhất của Afghanistan vẫn còn đó.
Một cuộc chiến vô nghĩa
Trong tình trạng tuyệt mật, ngày 28/12/2014, trên các sở tham mưu của liên quân, lá cờ của NATO đã âm thầm hạ xuống. Những đơn vị cuối cùng của liên quân tham chiến ở Afghanistan đã rời “mảnh đất dữ”. “Cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đã kết thúc” - Tổng thống Barack Obama tuyên bố ngắn gọn.
Tuy nhiên chẳng ai dám tổng kết cuộc chiến “dài nhất trong lịch sử nước Mỹ” này. Trong cái cảnh rút lui “không kèn, không trống” ấy, người Mỹ cảm thấy ấm lòng đôi chút bởi câu nói gần như lấy ra từ kinh thánh của người chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) John Campbel: “Chúng tôi đã đưa người dân Afghanistan từ bóng tối và sự sợ hãi, đem lại cho họ niềm hy vọng vào tương lai”. Đây là câu nói hoa mỹ mà gắng gượng cuối cùng và nó khó có thể xóa đi những mặc cảm về một cuộc chiến vô nghĩa đối với Mỹ và NATO.
Họ đã thất bại trong việc bình ổn Afghanistan, không thể tạo ra một hệ thống quyền lực mới nhất là ở các tỉnh của nước này. NATO đã đi theo “vết xe đổ” của Liên Xô trong cuộc chiến 10 năm (1979 - 1989) ở Afghanistan. Cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 13 năm đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 lính liên quân và hơn 21.000 dân thường Afghanistan. Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển Quốc tế được đăng tải trên The Washington Times thì Mỹ đã chi hơn 700 tỷ USD vào các chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố mà đại diện là Taliban cũng như xây dựng hệ thống chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai.
Tuy nhiên, Taliban không những không yếu đi mà ngày càng mạnh lên, họ vẫn tung hoành trên các mặt trận khủng bố và buôn lậu ma túy. Chỉ trong 16 ngày của tháng 11/2014, phiến quân đã tiến hành 12 vụ khủng bố ở ngay tại thủ đô Kabul khiến nhiều người chết, trong đó có lực lượng liên quân ở gần căn cứ không quân Bagram. Có điều, Taliban không có ý định “bước ra từ bóng tối”. Trong khi đó, ở các nước láng giềng với Afghanistan, mạng lưới khủng bố lại nhanh chóng tề tựu dưới cờ của “Nhà nước Hồi giáo” và điên cuồng tiến hành khủng bố khắp mọi nơi.
Tương lai nào cho Afghanistan?
Trong suốt 13 năm hiện diện ở Afghanista, Mỹ và NATO không xây dựng được bất cứ cơ sở kinh tế nào cho nước này. Số người thất nghiệp ở Afghanistan vẫn cao, thuốc phiện vẫn là mặt hàng chủ yếu mang lại lợi nhuận. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã có lúc Afghanistan sản xuất tới 90% lượng thuốc phiện lậu trên toàn thế giới.
Chưa hết, mục tiêu xây dựng cho Afghanistan một hệ thống chính trị ổn định, có khả năng đối phó với Taliban cũng không thành. Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (người thay thế Hamid Karzai) tuyên thệ nhậm chức từ ngày 29/9/2014 nhưng đến tận hôm nay vẫn chưa thành lập được chính phủ.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản là do mâu thuẫn giữa đương kim Tổng thống và đối thủ Abdullah Abdullah. Về nội bộ Afghanistan cũng còn nhiều chuyện phải bàn. Nói như cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Peter Thomsen thì hiếm có nơi nào quan chức tham nhũng khủng khiếp như ở Afghanistan. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực quản lý cho chính quyền Afghanistan gần như vô vọng. Ngay cả khi quân đội liên minh còn đông đủ tại nước này, những chiến dịch chống Taliban của quân chính phủ hầu như thất bại.
Năm 2015, quân Mỹ và NATO rút hết, quân chính phủ Afghanistan biết chống chọi ra sao? Điều làm giới phân tích băn khoăn rằng chính quyền của tân Tổng thống Ashraf Ghani không có tiền. Theo Finacial Times, điều ấy đồng nghĩa với việc Washington còn phải bỏ ra một vài trăm tỷ USD để hỗ trợ cho Afghanistan. Nhưng liệu như vậy có đủ để xây dựng một lực lượng nhằm đối phó với sự trả thù của Taliban? Theo Lisa Curtis thuộc Quỹ Heritage của Mỹ, để duy trì một đội quân an ninh gồm 352.000 người, mỗi năm Mỹ phải cung cấp cho Afghanistan khoảng 4 - 6 tỷ USD. Nên nhớ trước khi quyết định rút quân khỏi Afghanistan, cả chính quyền Barack Obama lẫn Hamid Karzai đã nhiều lần thương thuyết bí mật với Taliban nhưng không thành. Mỹ và NATO ra đi, Afghanistan gần như chắc chắn rơi vào hỗn loạn.