Mỹ từng muốn thử hạt nhân trên mặt trăng

Mỹ từng ôm tham vọng thuộc địa hóa mặt trăng và biến nơi này thành tiền đồn quân sự lẫn bãi thử vũ khí hạt nhân, làm bàn đạp cho chiến tranh trên trái đất lẫn không gian.

Mảng tối đằng sau chương trình mặt trăng của Mỹ
Mảng tối đằng sau chương trình mặt trăng của Mỹ

Vào ngày 20/7/1969, khi nhà du hành vũ trụ người Mỹ Neil Armstrong và Buzz Aldrin lần lượt đặt chân lên bề mặt chị Hằng, họ đã gắn một tấm bảng với tuyên bố rất hữu nghị: “Đây là do con người trên địa cầu đặt lên mặt trăng. 

Tháng 7/1969 sau Công nguyên. Chúng tôi đại diện cho toàn bộ nhân loại đến trong hòa bình”. Tuy nhiên, tài liệu vừa được Cơ quan Văn khố an ninh quốc gia giải mật nhân kỷ niệm 45 năm con người đặt chân lên mặt trăng đã tiết lộ ý đồ hạt nhân hóa vệ tinh tự nhiên của trái đất. 

Hay nói đúng hơn, Lầu Năm Góc từng cân nhắc biến “nàng thơ” bao đời của giới thi nhân thành bãi thử vũ khí nguyên tử lẫn tiền đồn quân sự.

Tài liệu được giải mật có tựa đề Người lính, gián điệp và mặt trăng: Bí mật về âm mưu của Mỹ và Liên Xô từ thập niên 1950 và 1960 đã phản ánh phần luôn bị che giấu đằng sau các chương trình mặt trăng của hai cường quốc không gian. 

Ý tưởng thử vũ khí nguyên tử trên mặt trăng xuất phát từ nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm các loại vũ khí đặc biệt của không quân Mỹ, với trụ sở đặt tại căn cứ không quân Kirtland ở New Mexico. 

Cuộc nghiên cứu liên quan đến dự án vũ khí hạt nhân trên mặt trăng được tiến hành bởi Tổ chức nghiên cứu Armour thuộc Viện Công nghệ Illinois và được triển khai vào tháng 6/1959, tức khoảng 8 tháng sau khi Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) được thành lập vào ngày 1.10.1958.

Thông qua các kết quả phân tích, tài liệu được dùng để bào chữa cho kế hoạch tiến hành các vụ nổ hạt nhân trên bề mặt mặt trăng hoặc tại vùng không gian kế bên vệ tinh tự nhiên của trái đất, với lý luận rằng hoạt động này “vừa thỏa mãn mục tiêu khoa học lẫn quân sự”. 

Về mặt chính trị, phía cổ súy cho một viễn cảnh hạt nhân hóa mặt trăng nhấn mạnh quốc gia nào đi đầu trong hoạt động này sẽ thu hoạch được những hiệu quả tích cực, là cơ hội để chứng tỏ khả năng công nghệ vượt trội cho toàn thế giới. 

Theo phân tích của các chuyên gia Mỹ, một vụ thử như vậy còn có thể cung cấp thông tin về môi trường vũ trụ cũng như năng lực của vũ khí hạt nhân trong trường hợp bùng nổ chiến tranh vũ trụ.

Các thông tin tình báo thu thập được cho thấy trước khi triển khai sứ mệnh đưa người đến mặt trăng, cả lục quân và không quân Mỹ đều vận động để thiết lập tiền đồn quân sự trên bề mặt chị Hằng.

 Theo đó, lục quân đã cấp kinh phí cho cuộc nghiên cứu gọi là “dự án đường chân trời”, với mục tiêu nhấn mạnh về sự cần thiết thành lập căn cứ trên mặt trăng trong nỗ lực phát triển công nghệ do thám phục vụ cho nhu cầu trên trái đất lẫn không gian. 

Trong khi đó, một báo cáo khác do nhánh tên lửa đạn đạo thuộc không quân Mỹ thực hiện vào tháng 4/1960 cũng vận động cho dự án thành lập tiền đồn trên mặt trăng, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 6/1969, đồng thời thiết lập đài quan sát tình báo tại đây. Ngoài ra, Lầu Năm Góc lúc đó còn cân nhắc khả năng xây dựng hệ thống ném bom thuộc căn cứ chị Hằng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng không quân Mỹ quyết định hủy bỏ kế hoạch trên.

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.