Mỹ tiếp tục các thí nghiệm hạt nhân dưới tới hạn?

GD&TĐ - Washington vừa tiến hành thí nghiệm dưới tới hạn khác nhằm cung cấp dữ liệu cần thiết về các vật liệu được sử dụng trong đầu đạn hạt nhân.

Bom hạt nhân B61-12 của Mỹ.
Bom hạt nhân B61-12 của Mỹ.

Công khai thử nghiệm

Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) đã công bố kế hoạch phát triển tổ hợp sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này trong 25 năm tới.

Tài liệu dài 40 trang này nêu rõ nhiều nhiệm vụ và sứ mệnh của Doanh nghiệp An ninh Hạt nhân (NSE) dự kiến ​​sẽ được tiến hành trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2050, bao gồm:

Tái lập hoạt động sản xuất hố plutonium tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico (với công suất sản xuất hàng năm là 30 hố) và Cơ sở Savannah River ở Nam Carolina (với công suất 50 hố) để thay thế năng lực sau khi đóng cửa nhà máy vũ khí hạt nhân Rocky Flats ở Colorado.

Hiện đại hóa khả năng xử lý uranium và lithium tại Khu phức hợp an ninh quốc gia Y-12 ở Tennessee.

Cải thiện chẩn đoán liên quan đến các thí nghiệm hạt nhân dưới tới hạn tại Cơ sở An ninh Quốc gia Nevada "để hiểu rõ hơn về hiệu suất lão hóa nhằm chứng nhận kho dự trữ không có thử nghiệm nổ hạt nhân và thu thập dữ liệu về vật liệu hạt nhân và các thành phần mới sản xuất".

Thiết lập năng lực tổng hợp và pha chế thuốc nổ mạnh không nhạy cảm tại Nhà máy Pantex ở Texas để đáp ứng các yêu cầu về năng lực và mục tiêu phục hồi.

Tái cơ cấu năng lực xử lý và kiểm tra nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Cơ sở lò phản ứng Hải quân ở Idaho.

Việc công bố bản thiết kế NNSA diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga về thử nghiệm hạt nhân, với việc Moscow cảnh báo rằng họ "sẽ ngay lập tức đáp trả tương tự" nếu Washington có động thái tiếp tục thử nghiệm.

Nga đã không phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện vào năm ngoái, trong khi Mỹ đã ký nhưng chưa bao giờ phê chuẩn văn bản này.

Mỹ đã đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân ngầm vào năm 1992 và bắt đầu các cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới tới giới hạn 5 năm sau đó.

Cũng theo NNSA, vụ thử nghiệm hạt nhân dưới tới giới hạn gần đây nhất được Mỹ thực hiện là hôm 14 tháng 5 năm 2024. Đây là vụ thử hạt nhân dưới tới hạn đầu tiên của Mỹ kể từ tháng 9 năm 2021 và là thử hạt nhân thứ 3 dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Cuộc thử nghiệm được thực hiện ở Phòng thí nghiệm ngầm chính dành cho Thí nghiệm cận tới giới hạn thuộc Khu vực an ninh quốc gia Nevada, để thu thập dữ liệu cần thiết liên quan đến đầu đạn hạt nhân của Mỹ.

Vì các cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới tới giới hạn không dẫn đến một vụ nổ hạt nhân, nên Mỹ khẳng định vụ thử không bị cấm theo Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) mà Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn.

NNSA cho biết cùng với cuộc thử nghiệm mới này, tổng số các cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới tới giới hạn mà Mỹ đã tiến hành đến nay là 34 cuộc, không gây ra phản ứng tới hạn và do đó phù hợp với lệnh hoãn thử nghiệm hạt nhân mà nước này tự áp đặt kể từ năm 1992.

Phản ứng dây chuyền

Công bố của Mỹ không chỉ vấp phải phản ứng của Nga mà Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng răn đe hạt nhân trong bối cảnh Mỹ thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới tới hạn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng buộc phải tăng cường khả năng răn đe hạt nhân tổng thể sau khi Mỹ tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới tới hạn hồi tháng 5 tại Cơ sở An ninh Quốc gia Nevada và công bố kế hoạch mới của mình.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA trích dẫn tuyên bố của vị phát ngôn viên này cho biết:

"Để đối phó với tình trạng bất ổn chiến lược trong khu vực và phần còn lại của thế giới do hành động đơn phương của Mỹ gây ra, Triều Tiên không thể không xem xét lại các biện pháp cần thiết để cải thiện thế trận răn đe hạt nhân tổng thể trong phạm vi quyền chủ quyền và các lựa chọn khả thi của mình".

Người phát ngôn cho biết thêm rằng Triều Tiên sẽ không cho phép tạo ra sự mất cân bằng chiến lược trong việc đảm bảo an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ