Mỹ thử lần cuối tên lửa siêu thanh AGM-183A

GD&TĐ - Không quân Mỹ ngày 17/3/2024 đã tiến hành thử nghiệm lần cuối đối với vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) do Lockheed Martin phát triển.

Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183A do Lockheed Martin phát triển sẽ là tên lửa siêu thanh đầu tiên của không quân Mỹ
Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183A do Lockheed Martin phát triển sẽ là tên lửa siêu thanh đầu tiên của không quân Mỹ

Không quân Mỹ ngày 17/3/2024 đã tiến hành cuộc thử nghiệm có thể là cuộc thử nghiệm cuối cùng đối với vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A.

Trong thông báo được phát đi hôm 19/3/2024, một phát ngôn viên của lực lượng không quân Mỹ cho biết, một máy bay chiến đấu B-52H Stratofortress rời Căn cứ Không quân Andersen ở đảo Guam mang theo ARRW.

Mặc dù lực lượng không quân Mỹ đang thận trọng về việc liệu cuộc thử nghiệm có thành công hay không, nhưng họ cho biết, cuộc thử nghiệm đã thu được dữ liệu độc đáo, có giá trị, và nhằm mục đích tiếp tục phát triển một loạt các chương trình siêu thanh.

“Chúng tôi cũng xác nhận cải thiện khả năng thử nghiệm và đánh giá của mình để tiếp tục phát triển các hệ thống siêu thanh tiên tiến”, phát ngôn viên của lực lượng không quân Mỹ cho hay.

Tuy nhiên, không quân Mỹ từ chối cho biết mục tiêu thử nghiệm cụ thể là gì, và cũng không cung cấp các chi tiết như thời gian bay, nơi nó chạm vào bề mặt hoặc liệu tất cả các yếu tố của trình tự phóng, lướt, đẩy có diễn ra như mong đợi hay không.

Họ chỉ nhấn mạnh là đã có được những hiểu biết có giá trị về khả năng của vũ khí siêu thanh do Lockheed Martin sản xuất.

Trong các thử nghiệm trước đây, ARRW đã bay với tốc độ ít nhất gấp 5 lần âm thanh, mức tiêu chuẩn để một vũ khí được xem là có tốc độ siêu thanh.

ARRW là một trong hai chương trình chính của không quân Mỹ nhằm phát triển vũ khí siêu thanh phóng từ trên không, có thể bay nhanh hơn Mach 5, và có tính cơ động cao.

Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu thanh trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không.

Trung Quốc và Nga đã đầu tư rất nhiều vào vũ khí siêu thanh của riêng họ. Hiện Moscow đã biên chế và sử dụng tên lửa siêu thanh trong tác chiến, trong khi Bắc Kinh đã có tên lửa siêu thanh sẵn sàng triển khai.

Giới chức quân sự Mỹ nhiều lần thừa nhận, Washington đang đi sau nhiều năm so với các đối thủ chiến lược trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh.

Lầu Năm Góc hiện đang chịu áp lực từ Quốc hội để thể hiện nhiều tiến bộ hơn trong việc phát huy năng lực của chính Mỹ.

Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ, Frank Kendall, từng nói với các nhà lập pháp rằng, chương trình ARRW đã gặp khó khăn trong việc thử nghiệm, ngay sau khi cuộc thử nghiệm vào tháng 3/2023 thất bại.

Các quan chức không quân Mỹ hồi đầu tháng này cho biết, họ có kế hoạch kết thúc chương trình tạo mẫu ARRW nhanh trong năm nay, và không tiến hành bất kỳ hoạt động nghiên cứu và phát triển nào liên quan đến ARRW vào năm 2025.

Tướng Kendall có vẻ lạc quan hơn về chương trình tên lửa hành trình tấn công siêu thanh (HACM) được phát triển bởi Raytheon, và yêu cầu ngân sách năm tài chính 2025 đề xuất 517 triệu USD để tiếp tục phát triển chương trình đó.

Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ chỉ rõ: “Chúng tôi nhận thấy vai trò nhất định của tên lửa Raytheon bởi nó tương thích với nhiều máy bay của chúng tôi hơn, và nó sẽ mang lại cho chúng tôi nhiều khả năng chiến đấu hơn về tổng thể”.

Trợ lý Tư lệnh không quân Mỹ về mua sắm, công nghệ và hậu cần nói với các phóng viên hồi đầu tháng này rằng, cơ quan này sẽ nghiên cứu kết quả của cuộc thử nghiệm ARRW cuối cùng để giúp họ quyết định những khả năng tên lửa siêu thanh nào sẽ cần.

Theo Air and space forces

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.