Kẽ hở của CAATSA khơi dậy khả năng mua Su-35 ở Indonesia

GD&TĐ - Kẽ hở của Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) đã khơi dậy khả năng mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga ở Indonesia.

Chiến đấu cơ Su-35 của Nga
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga

Kẽ hở của CAATSA giúp Indonesia có thể mua Su-35 Nga

Theo báo cáo của nhiều nguồn tin trên khắp châu Á, CAATSA, được cựu Tổng thống Donald Trump phê chuẩn vào năm 2017, đã đặt ra rào cản đối với nhiều quốc gia khác nhau đang tìm cách mua chiến đấu cơ Su-35 hoặc Su-57 của Nga. Indonesia là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với câu hỏi hóc búa này.

Theo luật CAATSA, các quốc gia tham gia vào các giao dịch đáng chú ý với Triều Tiên, Iran hoặc Nga, đặc biệt là mua thiết bị quân sự, có thể nhận được lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này khiến Indonesia cùng với nhiều quốc gia khác rơi vào tình trạng không chắc chắn về kế hoạch mua Su-35 hoặc có thể là Su-57.

CAATSA là luật liên bang của Mỹ ban hành năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, dù ông Trump đã ký luật này, nhưng chính ông Trump đã đưa ra tuyên bố cho rằng, luật này chưa đầy đủ hoặc thiếu sót.

Tài khoản YouTube của Lycma Mil-Tech cho biết: “Người ta cho rằng, trong quá trình vội vàng thông qua luật này, Quốc hội đã đưa vào một số điều khoản vi hiến” .

Điều đáng chú ý là, hiện tại, những cảm nhận được chia sẻ trong video chỉ là ý kiến. Để hiểu rõ luật, cần có sự giải thích pháp lý để xác định bất kỳ sơ hở nào có thể xảy ra. Điều thú vị là một số phương tiện truyền thông ở Indonesia đã suy đoán rằng, nước này có thể đàm phán một thỏa thuận mới về máy bay chiến đấu Su-35, đảm bảo khả năng có được nó vào năm 2024.

Theo một số nguồn tin của Indonesia, truyền thông Mỹ đã đồn đoán về kế hoạch của Indonesia mua Su-35 hoặc thậm chí là loại Su-57 tiên tiến hơn - miễn là họ có thể vượt qua các hạn chế của lệnh trừng phạt CAATSA.

Vào tháng 3/2020, Bloomberg, trích dẫn một nguồn tin ẩn danh từ chính quyền Mỹ, đưa tin rằng, Washington đã thuyết phục Jakarta hủy bỏ thương vụ mua Su-35, với lý do vi phạm CAATSA. Sau một thời gian im lặng, Bộ Quốc phòng Indonesia cuối cùng đã giải thích lý do hủy hợp đồng Su-35 của Nga, và chọn F-15 EX của Mỹ và Rafale của Pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hạm đội sẵn sàng chiến đấu của Không quân Indonesia.

“Như hiện tại, nhiều thành phần của phi đội, bao gồm cả máy bay F-5 Tiger, sắp hết thời gian hoạt động. Nỗ lực thay thế F-5 Tiger bằng Sukhoi Su-35 đã bị cản trở bởi mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt CAATSA do Mỹ áp đặt. Do đó, việc bổ sung các thiết bị quốc phòng mới, đặc biệt là máy bay chiến đấu, là cần thiết để thay thế những máy bay này khi chúng hết thời gian hoạt động”, thông cáo báo chí do Bộ Quốc phòng Indonesia đưa ra năm trước cho biết.

Trong khi thông báo sơ bộ từ Bộ quốc phòng Indonesia đề cập đến việc mua những chiếc Mirage 2000 đã qua sử dụng của Qatar - một thỏa thuận mà Indonesia chính thức hủy bỏ vào đầu năm 2024 - thì cơ hội mua Su-35 hoặc thậm chí là Su-57 dường như không hoàn toàn bị loại bỏ.

Theo báo cáo của Tạp chí Military Watch (MWM) vào tháng 7/2023, Indonesia đang tìm cách mua Su-35 một cách an toàn.

MWM cho biết : “Có tin đồn mạnh mẽ rằng, Indonesia đang cố gắng tìm cách mua Su-35 hoặc có thể là một máy bay chiến đấu tiên tiến khác của Nga, một khi họ tìm ra cách vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và đảm bảo thanh toán an toàn với Nga”.

Su-35 - niềm tự hào của không quân Nga

Su-35 được coi là niềm tự hào của không quân Nga, và là loại chiến đấu cơ có thể áp chế đối thủ nhờ tốc độ và sự linh hoạt hiếm có.

Chiến đấu cơ Su-35 được trang bị 2 loại bom dẫn đường bằng laser là KAB-500L và KAB-1500L cùng 2 loại bom thông thường là FAB-250 và FAB-500.

Động cơ Saturn 117S cho phép Su-35 có thể bay với tốc độ tối đa Mach 2,25 (tương đương 2.390km) và đạt tầm hoạt động 3.600km. Su-35 có trần bay là 18km. Su-35 có chiều dài 21,9m, sải cánh 15,3m và chiều cao 5,9m.

Su-35 được trang bị một pháo 30mm GSh301 để phục vụ cận chiến và nhiều loại rocket và tên lửa để tấn công mục tiêu tầm gần và tầm xa.

Ngoài ra, Su-35 còn được trang bị hệ thống radar thụ động quét theo mảng Irbis, hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại OLS-35 và hệ thống tác chiến điện tử L265 Kibiny-M.

Su-35 được trang bị 2 động cơ cánh quạt phản lực có buồng đốt phụ Saturn 117S, và có thể mang được tối đa 16 tấn vũ khí.

Theo Bulgarian Military News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ