Mỹ thiếu giáo viên vì lương thấp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Do tình trạng thiếu giáo viên, các khu học chánh tại Mỹ đã chuyển sang tuyển dụng giáo viên tại những quốc gia có nền giáo dục tốt hoặc tương tự Mỹ.

Mỹ phân bổ 9 tỷ USD trong 'Kế hoạch Gia đình Mỹ' để giải quyết khủng hoảng thiếu giáo viên.
Mỹ phân bổ 9 tỷ USD trong 'Kế hoạch Gia đình Mỹ' để giải quyết khủng hoảng thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, điều này không thể giải quyết gốc rễ vấn đề khi lương giáo viên còn thấp.

Đến Mỹ để đổi đời

Carolyn Stewart, 75 tuổi, Giám đốc Học khu thành phố Bullhead, bang Arizona, dành 5 tháng đầu năm 2022 tìm và tuyển dụng giáo viên cho khu vực. Sau dịch Covid-19, 2.300 học sinh Bullhead đã trở lại trường nhưng học khu còn thiếu gần 30% giáo viên so với mức tiêu chuẩn.

Đối với bà Carolyn, mỗi ngày đi làm đều là một cơn ác mộng. Giáo viên đồng loạt xin nghỉ và phản ánh không có người dạy thêm. Hiệu trưởng các trường liên tục gửi email yêu cầu học khu tuyển dụng thêm giáo viên. Ngược lại, đội ngũ nhân viên tuyển dụng lắc đầu ngao ngán do hiện nay, rất hiếm người nộp đơn ứng tuyển vào công việc này.

52 năm công tác trong ngành sư phạm, bà Carolyn đã từng quản lý nhiều trường công lập khó khăn nhất cả nước nhưng trong những tháng gần đây, bà bắt đầu lo lắng rằng toàn bộ hệ thống giáo dục Mỹ có nguy cơ sụp đổ.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, 370 nghìn giáo viên đã nghỉ việc từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, bang Maine đã tuyển dụng giảng viên trại hè, bang Florida tuyển dụng cựu quân nhân không có kinh nghiệm giảng dạy, bang Arizona không yêu cầu ứng viên có bằng đại học.

Còn tại Bullhead, Học khu Bullhead vẫn đang vật lộn để tuyển dụng giáo viên với mức lương khởi điểm là 38.500 USD một năm, thấp hơn so với mức lương trung bình năm học 2019 - 20220 của giáo viên Mỹ (63.654 USD).

Mọi chuyện thay đổi khi Carolyn biết rằng nhiều giáo viên giỏi tại Philippines, sở hữu bằng thạc sĩ mong muốn tìm kiếm những vị trí việc làm tốt hơn tại những nơi tốt hơn. Đánh cược hi vọng, đội ngũ tuyển dụng tại Học khu Bullhead đã liên hệ phỏng vấn và trao đổi với nhiều giáo viên Philippines. Trong đó, 20 người đồng ý đến Mỹ.

Tại Philippines, giảng dạy được coi là nghề có tính cạnh tranh cao với tỷ lệ trung bình 14 ứng viên nộp đơn vào một vị trí trống. Hàng năm, giáo viên được đánh giá và xếp hạng liên tục. Những giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được trao thưởng Giáo viên Xuất sắc.

Cô giáo Rose Jean Obreque, 31 tuổi, là một trong 20 giáo viên đã chấp nhận đến Bullhead dạy học từ tháng 8/2022. Dù sở hữu bằng thạc sĩ về giáo dục, cô Obreque vẫn gặp khó khăn khi tìm việc làm tại quê nhà do tỷ lệ cạnh tranh cao. Vì vậy, nữ giáo viên chuyển hướng tìm kiếm việc làm ở những nơi xa xôi hơn, như là Mỹ.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài công việc hàng ngày, cô Obreque xin làm ca đêm tại một trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại để cải thiện vốn tiếng Anh. Tại trường học, cô tình nguyện dạy tăng cường sau giờ học cho những học sinh yếu kém; tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

Trong dịch Covid-19, cô giáo hăng hái đổi mới tổ chức dạy và học bằng các ứng dụng công nghệ thông tin; đi bộ đến những làng quê hẻo lánh để mang bài tập cho những học sinh không có khả năng tiếp cận Internet... Tất cả những điều này giúp cô Obreque gặt hái danh hiệu Giáo viên Xuất sắc nhất trường và bắt đầu nhận được những lời đề nghị từ khắp nơi trên thế giới.

Thông qua cơ quan giảng dạy quốc tế kết nối giáo viên và các trường học trên thế giới, cô Obreque tìm được vị trí việc làm phù hợp tại Học khu Bullhead. Cô đã phỏng vấn qua Zoom với cán bộ quản lý giáo dục, được đề nghị giảng dạy tại Mỹ theo thị thực cư trú 3 năm tại Mỹ (thị thực J-1). Cùng với 5 giáo viên khác, cô Obreque bay sang Mỹ và bắt đầu cuộc sống mới mà cô hằng ao ước.

Tuy nhiên, ngay từ ngày học đầu tiên, cô giáo hoàn toàn vỡ mộng. Ngôi trường mà cô Obreque giảng dạy là một trong những trường có chất lượng thấp nhất học khu. Ít hơn 20% học sinh có thể thông thạo tiếng Anh hoặc Toán và hơn 50% học sinh có trình độ thấp hơn lớp học thực tế. Học sinh nhà trường hầu hết đến từ các gia đình khó khăn, bối cảnh phức tạp nên giáo dục không được cha mẹ các em coi là ưu tiên hàng đầu.

Thêm vào đó, bang Arizona đã cắt giảm 4,5 tỷ USD chi tiêu cho giáo dục, khiến lương của giáo viên trên địa bàn bị giảm đáng kể so với mức trung bình. Nhiều người nghỉ việc, số còn lại hầu hết là giáo viên đã quá tuổi nghỉ hưu. Chất lượng giáo dục vì thế cũng sụt giảm.

Sau hơn 2 năm dịch Covid-19, học sinh trở lại trường mất dần thói quen và nền nếp truyền thống. Các em trở nên nghịch ngợm, mất tập trung, khó nghe lời hay cãi lời giáo viên. Những điều này đặt cô Obreque vào thử thách để quản lý lớp học, chưa nói đến việc truyền thụ kiến thức.

“Tôi không biết làm thế nào để quản lý học sinh. Tôi không thể kết nối với chúng. Tôi không dạy nổi. Tôi rất tiếc nếu bản thân mình là một sự thất vọng đối với nước Mỹ”, cô Obreque nói và cho hay những khó khăn trên phải chăng đã đẩy ngành Giáo dục Mỹ đến tình cảnh như ngày hôm nay.

Thiếu giáo viên là khủng hoảng lớn nhất của ngành Giáo dục Mỹ hiện nay.

Thiếu giáo viên là khủng hoảng lớn nhất của ngành Giáo dục Mỹ hiện nay.

Nỗ lực hồi sinh ngành Giáo dục

Với rất nhiều lý do như lương thấp, áp lực công việc quá lớn, sức khỏe tâm thần suy giảm... tình trạng thiếu giáo viên đã trở thành đợt sóng thần nghiêm trọng nhấn chìm ngành Giáo dục Mỹ. Tình trạng này đã diễn ra trước dịch Covid-19 nhưng ngày càng khoét sâu suốt 2 năm qua. Bước vào năm học 2022 – 2023, khi các trường nối lại học trực tiếp, vấn đề được nhận thức ngày càng rõ ràng.

Không chỉ tuyển dụng giáo viên Philippines, nửa cuối năm 2022 và dự kiến sang năm 2023, Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào việc tuyển dụng giáo viên quốc tế nhằm lấp đầy lỗ hổng trong các trường học trên cả nước. Mô hình này được đánh giá là giúp ích cho cả học sinh lẫn giáo viên.

Về phía ngành Giáo dục, các trường học có thể giải tỏa phần nào áp lực thiếu giáo viên khi có nguồn bổ sung từ bên ngoài nước Mỹ. Cần lưu ý rằng hiện nay, ngay cả người trẻ nước này cũng không mặn mà với ngành sư phạm sau khi chứng kiến những khó khăn của người lao động trong lĩnh vực này.

Tỷ lệ tuyển sinh ngành sư phạm tại Mỹ nhiều năm qua luôn nằm ở mức thấp. Bất chấp các trường đã tăng cường biện pháp thu hút tuyển sinh, bối cảnh chung vẫn rất ảm đạm.

Tuy nhiên, học sinh là nhóm giành được lợi ích nhiều hơn hết. Đầu tiên, việc tuyển dụng giáo viên quốc tế, nhất là những giáo viên có chất lượng đào tạo thuộc hàng tốp, sẽ duy trì chất lượng đào tạo tại Mỹ. Hiện nay, vì thiếu giáo viên, nhiều bang ở Mỹ phải thuê giáo viên không có trình độ sư phạm hoặc trình độ thấp. Nhưng điều này sẽ khiến chất lượng đào tạo giảm sút, kéo theo là trình độ và kỹ năng của học sinh lẫn danh tiếng các trường.

Bên cạnh đó, tiếp xúc với giáo viên đến từ các quốc gia khác nhau giúp học sinh tăng cơ hội trải nghiệm các nền văn hóa và bồi đắp thế giới quan phong phú. Một số quốc gia hiện nay đang trở thành nguồn tuyển dụng giáo viên tại Mỹ có thể kể đến như Philippines, Jamaica, Trung Quốc, Pháp, Columbia... Họ làm việc khắp nơi tại Mỹ, nhất là tại các bang Bắc Carolina, Nam Carolina, California, Texas, Arizona và Florida.

Trước tình hình trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phân bổ 9 tỷ USD cho “Kế hoạch Gia đình Mỹ” (American Families Plan) nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Khoản tiền này được sử dụng để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên; trang bị và đa dạng hóa nguồn nhân lực sư phạm quốc gia. Nguồn phân bổ cũng nhằm giữ chân giáo viên với ngành và cho phép những người thích nghề giáo có thể học và nhận chứng chỉ giảng dạy nhanh chóng, ít tốn kém...

Trong đó, 1/3 số tiền trên dành để đào tạo, tuyển dụng, phát triển và giữ chân giáo viên trong các khu vực đông học sinh da màu. 1,6 tỷ USD giúp tăng cường nguồn lực cho giáo dục đặc biệt như đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt, giáo viên song ngữ. 2 tỷ USD để hỗ trợ giáo viên mới và giáo viên da màu...

Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu giáo viên da màu, Tổng thống Biden đề xuất thêm 400 triệu USD để tài trợ cho chương trình đào tạo giáo viên tại các trường đại học, cao đẳng dành cho người da màu có truyền thống lâu đời hoặc với các nhóm giáo viên thiểu số khác.

Giáo viên Mỹ đối mặt với nhiều áp lực trong công việc.

Giáo viên Mỹ đối mặt với nhiều áp lực trong công việc.

Không thể giữ chân giáo viên

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định kế hoạch trên không nhằm giải quyết tình trạng lương thấp – một trong những lý do chính đằng sau tình trạng thiếu giáo viên.

Cuộc khảo sát vào năm 2020 cho thấy, 67% giáo viên đã hoặc đang làm công việc thứ 2 để trang trải cuộc sống. Nghiên cứu năm 2019 cũng chỉ ra số lượng sinh viên ngành sư phạm sụt giảm do nhiều người trẻ đánh giá công việc này là “lương thấp”, “điều kiện làm việc khó khăn”...

Bà Georgia Heywar, nhà phân tích tại Trung tâm Đổi mới Giáo dục Công cộng, thuộc ĐH Washington Bothell, cho biết: “Trong 20 năm qua, chính phủ đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục qua xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý... Nhưng không có nhiều sự đầu tư vào bản thân giáo viên hoặc giữ chân giáo viên”.

Khi năm 2023 đến gần và giữa lúc lạm phát tăng cao, các chuyên gia giáo dục lẫn giáo viên đều kỳ vọng mức lương dành cho công việc này có thể cải thiện. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden chưa có động thái rõ rệt nào trước mong muốn này.

Đổi lại, nhiều học khu đã tự tìm cách xoay xở và giữ chân giáo viên. Học khu Philadelphia, khu học chánh lớn nhất bang Pennsylvania, là một ví dụ. Dù năm học 2023 - 2024 chưa bắt đầu, học khu dự kiến sẽ tuyển dụng giáo viên ngay từ đầu năm 2023.

Ông Tony B. Waltington Sr, Giám đốc học khu, cho biết sẽ tìm cách thuê gần 1.000 giáo viên, hiệu trưởng và nhân viên cho các trường. Hiện nay, học khu còn thiếu khoảng 180 giáo viên cho năm học 2022 - 2023 dù có khoảng 114 nghìn học sinh và 216 trường. Chiến dịch tuyển dụng của học khu bắt đầu sớm hơn những năm học trước gần 6 tháng.

Để chiến dịch thành công, học khu quyết định tăng lương cho giáo viên với mức lương khởi điểm là 50 nghìn USD vào năm 2023. Ngoài ra, những giáo viên chọn giảng dạy tại các trường thiếu giáo viên sẽ được thưởng 5.000 USD trong 2 năm tới. Giáo viên tham gia bồi dưỡng và thi lấy chứng chỉ sư phạm sẽ được hỗ trợ 2.500 USD. Những chính sách trên được kỳ vọng có thể giữ chân giáo viên giữa tình hình bất ổn hiện nay.

Tăng lương cũng là mong muốn của nhiều học khu và bang khác tại Mỹ nhưng không phải địa phương nào cũng làm được như Philadelphia do khả năng tài chính chênh lệch. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng tình nếu chính quyền ông Biden không thể giải quyết vấn đề lương thưởng cho giáo viên trong năm 2023, tình trạng thiếu giáo viên sẽ không bao giờ kết thúc, thậm chí còn trượt dài hơn trước.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.