Mỹ: Nhu cầu đổi mới giáo dục trực tuyến

GD&TĐ - Khi khủng hoảng Covid-19 dần được kiểm soát, nước Mỹ bước vào trạng thái “bình thường mới” cũng là lúc các cơ sở giáo dục đại học tìm kiếm phương thức nâng cao hiệu quả của giáo dục trực tuyến trong giảng dạy.

Nhiều sinh viên Mỹ thích học trực tuyến.
Nhiều sinh viên Mỹ thích học trực tuyến.

Nếu làm được điều này, giáo dục có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng người học hơn hiện nay.

Hai năm trước, khi Covid-19 xuất hiện, một số trường đại học Mỹ đã nhanh chóng chuyển sang dạy trực tuyến nhờ có sẵn kinh nghiệm. Nhưng hầu hết các trường phải xây dựng chương trình trực tuyến từ đầu. Sinh viên, giảng viên từng bước một làm quen với các phần mềm học tập như Zoom, MS Teams…

Caroline Levander, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược toàn cầu và kỹ thuật số tại Trường Đại học Rice, Mỹ, cho biết: “Đại dịch đẩy các trường vào khó khăn nhưng cũng kích thích nhu cầu đổi mới. Nhiều giảng viên tại Rice đã đón nhận những cơ hội mới mà giáo dục trực tuyến mang lại”.

Đơn cử, ông Jason Hafner, giáo sư vật lý tại Trường Đại học Rice, đã tận dụng công nghệ để dạy các khái niệm mới cho sinh viên theo cách hấp dẫn, dễ hiểu. Trước đại dịch, giáo sư Jason đã ứng dụng trình chiếu, video vào giảng dạy. Nhưng trong khủng hoảng, thầy đã vượt ra khỏi bốn bức tường để làm bài giảng sinh động hơn.

Ví dụ, thầy đứng từ trên cao, thả hai quả bóng có kích thước bằng nhau, một quả bằng nhôm và một quả bằng thép xuống mặt đất và quay video. Thí nghiệm này giúp sinh viên hiểu rằng dù rơi với cùng một gia tốc, hai chất này vẫn tiếp xúc mặt đất theo cách khác nhau.

Khi các trường đại học mở cửa trở lại, nhiều nhà giáo dục đang tìm cách nâng cao trải nghiệm của sinh viên qua học trực tuyến để xây dựng chương trình học linh hoạt hơn trước đây. Đó là việc tổ chức lớp học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Ông Jeff Borden, Giám đốc học thuật của công ty phần mềm trực tuyến D2L, nhấn mạnh để nâng cao mô hình học kết hợp, các trường đại học, cao đẳng không chỉ đơn thuần là tổ chức dạy trực tuyến. Thay vào đó, họ nên làm việc cùng nhau để xây dựng những nền tảng chung, lâu bền hơn, đáp ứng nhu cầu của nhiều người học.

Ông Jeff cho biết: Thay vì học 4 năm đại học và lấy bằng cử nhân truyền thống, ngày càng nhiều người trẻ chỉ muốn học lấy chứng chỉ, kỹ năng thời gian ngắn hạn. Do đó, nếu các trường có thể đưa bài giảng truyền thống lên trực tuyến, nhiều người sẽ tiếp cận việc học tập dễ dàng hơn. Đặc biệt phải kể đến những người lớn tuổi, người đã đi làm hoặc người khuyết tật…

Ông Don Killburn, Giám đốc điều hành của công ty phần mềm UMass Online, công ty cung cấp dịch vụ cho 5 trường đại học thuộc Đại học Massachusetts, cho biết: Ưu điểm của giáo dục trực tuyến là chi phí rẻ, xoá nhoà ranh giới địa lý. Các mô hình học trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quyền tiếp cận việc học của mọi đối tượng trong xã hội.

Các chuyên gia thống nhất rằng, giáo dục đại học đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi kỹ thuật số. Dù chưa chắc chắn số lượng sinh viên và tần suất tham gia vào mô hình này trong tương lai, một cuộc cách mạng đang đến gần. Với chất lượng thuộc hàng đầu thế giới, giáo dục đại học Mỹ phải đón đầu xu hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để từng bước làm chủ những phương pháp giáo dục mới.

Theo US News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.