"Mỹ sẵn sàng công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea như một phần của thỏa thuận hòa bình rộng lớn hơn giữa Moscow và Kiev", Bloomberg hôm 18 tháng 4 dẫn nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết.
Mặc dù vậy, cơ quan này lưu ý rằng Washington vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Cũng trong ngày 18 tháng 4, khi phát biểu tại Paris sau khi gặp các lãnh đạo châu Âu và Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Washington có thể chấm dứt vai trò trung gian nếu Nga, Ukraine không thể hiện dấu hiệu rõ ràng về thỏa thuận hòa bình.
"Chúng tôi cần biết chấm dứt chiến tranh tại Ukraine có phải là điều khả thi hay không. Trong vài ngày tới, Mỹ sẽ trao đổi với các bên để làm rõ điều này", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói.
Ngoại trưởng Rubio nói rằng Tổng thống Donald Trump vẫn mong muốn Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận hòa bình, nhưng Washington vẫn còn nhiều ưu tiên khác khắp thế giới và sẵn sàng gác lại vấn đề này nếu không nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng rằng đàm phán có thể tiến xa hơn hướng tới thỏa thuận hòa bình.
"Nếu cả hai phía nghiêm túc muốn có hòa bình, chúng tôi sẽ giúp họ. Còn không thì chúng tôi sẽ bước tiếp. Nếu hòa bình không khả thi, Tổng thống Donald Trump có thể tuyên bố: Phần việc của chúng ta đã kết thúc", ông Rubio cho biết.
Cũng theo nhà ngoại giao Mỹ, Washington nhất trí rằng châu Âu cũng có trách nhiệm và có quyền góp tiếng nói trong vấn đề Ukraine. Ông cho rằng các nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức có thể góp sức thúc đẩy đàm phán hòa bình Ukraine đạt tiến triển.
"Chúng tôi cũng ghi nhận nguyện vọng của Ukraine về đảm bảo khả năng tự vệ. Chúng tôi đều muốn tránh viễn cảnh có thêm hàng nghìn người chết trong cuộc chiến này trong một năm tới", ông nói.
Cùng với đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố không loại trừ khả năng Washington sẽ không cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev nữa nếu nỗ lực giải quyết xung đột ở Ukraine không thành công.
"Tôi không muốn nói như vậy vì tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện được điều đó", ông Trump trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi liệu ông có ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev nếu Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình hay không.
Tổng thống Trump gần đây thúc đẩy nỗ lực đàm phán với Nga và Ukraine để đạt thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, gần 100 ngày trôi qua kể từ khi ông Trump nhậm chức, chiến sự vẫn tiếp diễn và hai bên chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Trong khi nỗ lực đàm phán diễn ra, Nga gần đây gia tăng trở lại các cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái xuống các mục tiêu ở Ukraine.
Cuối tuần qua, Nga phóng tên lửa Iskander vào thành phố Sumy ở phía bắc Ukraine khiến nhiều người thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Nga sau đó tuyên bố mục tiêu vụ tập kích là một sự kiện tập hợp nhiều sĩ quan Ukraine, cáo buộc quân đội Ukraine dùng dân thường làm "lá chắn sống".
Tổng thống Trump bình luận vụ tập kích ở Sumy là "sự kiện tồi tệ" và cho rằng Nga "có thể đã phạm sai lầm". Ông quy trách nhiệm cuộc chiến tại Ukraine cho cả Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng các bên cần chấm dứt nói suông và thật sự tìm kiếm hòa bình.