Qua khai quật ngôi mộ của một nhà quý tộc đầu thời kỳ Xuân Thu (770 TCN - 476 TCN) ở Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã phát hiện những chiếc lọ bằng đồng có dấu vết mỹ phẩm làm từ chì trắng. Đây là bằng chứng cho thấy, người Trung Quốc đã chế tạo và sử dụng chất làm trắng da đầu tiên trên thế giới.
Mỹ phẩm trong ngôi mộ cổ
Từ lâu, người La Mã được cho là đã sử dụng chì sớm nhất để thoa trắng mặt vào khoảng 500 năm trước Công nguyên. Quá trình tổng hợp chì trắng từng được người Hy Lạp khám phá vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Tuy nhiên, khi chất này xuất hiện ở phía Đông lục địa Á – Âu, liệu nó có được sử dụng để hỗ trợ làm đẹp hay không thì vẫn chưa được biết rõ.
Theo tạp chí Truyền thông Khoa học xã hội và Nhân văn (Humanities and Social Sciences Communications Journal), qua kiểm tra chất bột cặn trong 6 lọ bằng đồng được khai quật từ ngôi mộ của một người sống cách đây 2.700 năm trong một nghĩa trang dành cho giới quý tộc tại Liangdaicun, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học viện Trung Quốc (UCAS) và Học viện Khảo cổ Thiểm Tây kết luận đó là loại chì trắng được tổng hợp để chế tạo chất làm đẹp. Họ cho rằng mỹ phẩm này ra đời sớm nhất thế giới, trước người La Mã đến 300 năm.
Mặc dù việc sử dụng chì trắng thu được tự nhiên thông qua khai thác carbonate, cerussite đã có từ giữa thiên niên kỷ thứ V và thứ II trước Công nguyên ở miền Nam châu Âu, Ai Cập, Iran, Lưỡng Hà và Thung lũng Indus, việc sản xuất tổng hợp nó chỉ được nhìn thấy ở châu Âu vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên.
Theo các nhà nghiên cứu, người Hy Lạp bắt đầu sử dụng quá trình ăn mòn để tổng hợp chì trắng từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Điều này nhanh chóng dẫn đến việc sản xuất hàng loạt và sử dụng rộng rãi nó trong mỹ phẩm và nghệ thuật trên khắp châu Âu.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cặn mỹ phẩm trong các lọ đồng từ ngôi mộ ở Liangdaicun cho thấy, đây là loại chì trắng tổng hợp lâu đời nhất thế giới. Hơn nữa, nó được tổng hợp qua quá trình kết tủa trong dung dịch, chứ không phải theo kỹ thuật ăn mòn mà người Hy Lạp đã sử dụng.
Điều này cho thấy sự phát triển độc lập và rất sớm của quá trình tổng hợp chì trắng ở Trung Quốc, từ khoảng thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên. Chất cặn còn chứa cerussite nguyên chất, một khoáng chất bao gồm chì carbonate và một loại quặng quan trọng của chì.
Ngoài ra, phosgenite, của chì chlorocarbonate, cũng được phát hiện, cho thấy mỹ phẩm được tạo ra bằng cách tổng hợp cả hai Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phần còn sót lại trong các lọ bằng đồng có thể lâu đời hơn nhiều so với niên đại ngôi mộ. “Dù niên đại của chì carbonate không trùng khớp với ngày chôn cất ngôi mộ, phát hiện vẫn hé lộ nguồn gốc nhân tạo của mẫu vật”.
Yang Yimin, giáo sư của UCAS, nói thêm rằng, việc khám phá nguồn gốc của công nghệ này có ý nghĩa rất lớn đối với việc nghiên cứu sự phát triển của khoa học và công nghệ Trung Quốc cổ đại. Nó cũng chứng minh, thời Xuân Thu là giai đoạn phát triển của ngành mỹ phẩm Trung Quốc và đồ trang điểm đã được sử dụng rộng rãi.
Còn theo Sun Zhanwei, trưởng nhóm nghiên cứu từ Học viện Khảo cổ Thiểm Tây, người đứng đầu cuộc khai quật ngôi mộ, “Đây là mỹ phẩm dùng cho nam giới lâu đời nhất được tìm thấy ở Trung Quốc và cũng là loại kem dưỡng da mặt sớm nhất mà chúng tôi biết. Mặc dù không rõ nhà quý tộc này sử dụng kem dưỡng da mặt vào những dịp nào, nhưng nó được xem là một vật phẩm quý giá, đủ quan trọng để được đưa vào một ngôi mộ”.
Chất cặn mỹ phẩm được khám phá trong ngôi mộ cổ có niên đại hơn 2.700 năm. Ảnh: AO |
Đẹp nhưng có hại
Theo các tác giả cuộc nghiên cứu của tạp chí Truyền thông Khoa học Xã hội và Nhân văn, chì trắng là khoáng chất được sử dụng rộng rãi nhất trong sản xuất mỹ phẩm, đến nỗi nó đã gây ra một cuộc cách mạng về chất làm đẹp và kích thích sự phát triển của hóa học trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, việc theo đuổi vẻ đẹp này đã phải trả giá đắt đối với người sử dụng. Nó gây tổn thương da và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Tờ Daily Mail trích dẫn một nghiên cứu năm 2012 cho rằng sự sụp đổ của xã hội phong kiến Nhật Bản, một phần là do tình trạng còi cọc và dị dạng của những đứa trẻ thuộc tầng lớp Samurai sinh ra từ những bà mẹ trang điểm bằng chì trắng! Những khuyết tật này khiến họ không thể đối phó với các cuộc khủng hoảng chính trị, dẫn đến bất ổn khiến hệ thống phong kiến suy tàn.
Sự sụp đổ của Đế chế La Mã cũng được cho phần nào do người dân bị nhiễm độc chì, qua một số nghiên cứu các bộ xương. Tuy nhiên, những chất này được tiêu thụ qua thức ăn, nước uống và rượu hơn là qua mỹ phẩm.
Một nghiên cứu năm 2019 đã tìm thấy hàm lượng chì trong các bộ xương của người La Mã ở Londinium (London thuộc La Mã) cổ đại cao hơn nhiều so với các bộ xương từ thời kỳ đồ sắt ở Anh. Mức độ chì cao đủ để gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và có thể làm giảm tỷ lệ sinh.
Mặc dù vậy, điều này cũng không ngăn cản các nền văn minh trên khắp thế giới sử dụng chì trắng như một chất hỗ trợ làm đẹp cho đến gần đây. Trang điểm bằng chì trắng cũng được giới tinh hoa châu Âu áp dụng vào những năm 1600, kết hợp chì độc với giấm.
Ở Trung Quốc cổ đại, một làn da trắng là một dấu hiệu về địa vị và thể hiện đẳng cấp quý tộc so với các tầng lớp thấp. Văn học Trung Quốc cổ đại mô tả làn da của một người phụ nữ đẹp giống như “tuyết”, “băng” hoặc “ngọc bích”.
Trên thực tế, làn da trắng vẫn là nỗi ám ảnh đối với người Trung Quốc ngay cả ngày nay. Theo một nghiên cứu trên tờ Economic Times, hiện các sản phẩm làm trắng da chiếm lĩnh 30% thị trường chăm sóc da Trung Quốc.