“Washington sẽ áp dụng cách tiếp cận cạnh tranh hơn, sau khi Nga và Trung Quốc phớt lờ lời kêu gọi đàm phán về không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí.
Washington muốn cho Moscow và Bắc Kinh thấy rằng, họ sẽ phải đối mặt với môi trường an ninh suy giảm nếu họ tiếp tục từ chối tham gia", hãng tin Semafor dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao Mỹ giấu tên cho biết.
Vị quan chức này không tiết lộ chi tiết về những thay đổi liên quan đến vũ khí hạt nhân, chỉ nhấn mạnh rằng, việc phát triển phiên bản mới của bom hạt nhân trọng lực là một phần trong chiến lược của Lầu Năm Góc.
Washington cũng muốn các đồng minh chủ chốt có khả năng tấn công tầm xa và khả năng giám sát tốt hơn.
Theo nguồn tin của Semafor, Giám đốc cấp cao phụ trách kiểm soát vũ khí thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC), Pranay Vaddi, sẽ đưa ra thông báo chính thức vào ngày hôm nay (7/6/2024).
Semafor là một công ty truyền thông được thành lập vào năm 2022 bởi cựu chuyên gia bình luận của tờ New York Times, Ben Smith, và cựu Tổng Giám đốc điều hành Bloomberg Media, Justin Smith.
Một số kế hoạch đang được thực hiện với kỳ vọng rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai, và sẽ phải đối phó với việc hết hạn vào năm 2026 của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới - New START, thỏa thuận ràng buộc song phương cuối cùng hạn chế kho dự trữ hạt nhân của Mỹ và Nga.
Năm ngoái, Nga đã chính thức đình chỉ việc tham gia New START với lý do chính sách thù địch của Mỹ, nhưng tuyên bố sẽ tuân thủ các điều khoản cốt lõi của hiệp ước này, trong đó giới hạn vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối.
Moscow đã cáo buộc Mỹ cố tình phá hoại hệ thống các hiệp ước thời Liên Xô về kiểm soát và cắt giảm vũ khí chiến lược.
Quá trình này bắt đầu dưới thời Tổng thống George W Bush, người đã bãi bỏ lệnh cấm phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo quốc gia vào năm 2002.
Chính quyền của ông Bush tuyên bố rằng, Hiệp ước ABM năm 1972 đã ngăn cản Mỹ phòng thủ chống lại "các quốc gia bất hảo".
Căng thẳng giữa Moscow và Washington sẽ còn gia tăng hơn nữa khi một kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn nhằm trang bị cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 được thực hiện.
Kế hoạch do Mỹ phát triển có khả năng triển khai bom trọng lực hạt nhân của nước này.
Được biết, Washington giữ một số vũ khí này ở các quốc gia NATO không có vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Bỉ, quốc gia đã cam kết đóng góp một số máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.
Các quan chức Nga đã lập luận rằng, mọi máy bay F-16 do Ukraine vận hành đều phải được coi là có khả năng được trang bị vũ khí hạt nhân.
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, Moscow đã đưa ra một kế hoạch tương tự như cơ chế chia sẻ hạt nhân của NATO bằng cách chuyển một số kho vũ khí hạt nhân của mình sang đồng minh và nước láng giềng Belarus.
Tháng trước, cả Nga và Belarus đã công bố các cuộc tập trận quân sự nhằm xác nhận khả năng triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược của quân đội hai nước.