Mỹ mở hướng tiếp cận mới với Trung Quốc sau sự cố khinh khí cầu

GD&TĐ -Cố vấn an ninh Nhà Trắng và Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Đối ngoại trung ương Trung Quốc gặp nhau với nhiều vấn đề quan trọng.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Sputnik/Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Sputnik/Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Sau vụ bắn rơi khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc ở Mỹ vào tháng 2 năm nay, quan hệ Washington và Bắc Kinh đã rơi vào khó khăn.

Quan hệ căng thẳng của hai bên vốn chưa thực sự vượt qua thử thách từ hồi Tổng thống Mỹ Joe Biden nắm quyền đã tiếp tục gặp trắc trở. Thậm chí Mỹ đã cắt đứt nhiều liên lạc quan hệ cấp cao với Trung Quốc.

Song các động thái ngoại giao con thoi gần đây cho thấy hai bên đang dành cho nhau những cơ hội tiếp cận mới.

Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin từ Nhà Trắng cho thấy, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc gặp liên tục với phái đoàn ngoại giao Trung Quốc, dẫn đầu là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị tại Vienna, Áo hồi tuần trước.

Các cuộc họp diễn ra vào ngày 10 - 11/5 vừa qua cho thấy các nỗ lực song phương của cả hai nhằm vượt qua vụ việc khinh khí cầu mà cả phía Mỹ và Trung Quốc đều mô tả là "sự cố đáng tiếc".

Theo lời các quan chức thân cận với cuộc họp, giới chức ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách "thiết lập lại các kênh liên lạc thông thường".

Trong khi đó, tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng cho hay: "Cuộc họp này là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở, hướng tới tính cạnh tranh một cách có trách nhiệm...

Hai bên đã đồng ý duy trì kênh liên lạc chiến lược quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu này, dựa trên sự cam kết giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bali bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm ngoái".

Một bản tin trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng tiết lộ rằng, cuộc họp của 2 phía Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài 10 tiếng đồng hồ và đề cập đến nhiều chủ đề, bao gồm sự cố khinh khí cầu, căng thẳng diễn ra xung quanh việc Mỹ hỗ trợ Đài Loan (Trung Quốc), động thái của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như vấn đề xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.

Đáng chú ý, đây không phải là cuộc gặp đầu tiên của hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sau sự cố khinh khí cầu tầm cao. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns hồi đầu tuần trước đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương.

Hai bên đã tái khẳng định mong muốn quay lại mối quan hệ ngoại giao có cạnh tranh nhưng không để mọi thứ vượt tầm kiểm soát. Đây cũng là các nội dung đã được sự đồng thuận của hai nhà lãnh đạo cấp cao hai nước ở Bali hồi tháng 11 năm ngoái.

Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc đã khẳng định: "Ưu tiên hàng đầu là ổn định quan hệ Trung-Mỹ, tránh đi xuống và ngăn chặn các bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ. Đây phải là sự đồng thuận cơ bản nhất và là điểm mấu chốt để các nước tuân thủ, đặc biệt là hai nước lớn."

"Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ có phản ánh sâu sắc, thỏa hiệp với Trung Quốc và đẩy quan hệ Trung-Mỹ ra khỏi tình trạng khó khăn và trở lại đúng hướng” - tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc nêu rõ.

Zhu Feng, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh nhận định trên truyền thông Trung Quốc rằng, cuộc gặp cấp ngoại giao ở Áo là "đúng lúc và cần thiết".

Vị chuyên gia nhận định: "Không phải là điều gì đáng ngạc nhiên và thậm chí là tốt đẹp khi nghe tin tức về cuộc họp này. Điều tốt đẹp đó là sự đồng thuận về sự cần thiết của việc nối lại liên lạc song phương và đối thoại trực tiếp vì mục đích quản lý khủng hoảng và khám phá các cơ hội hợp tác có thể. Đó mới là mục đích của ngoại giao."

Cho đến nay, trong các tuyên bố công khai, phía Mỹ vẫn nhiều lần lôi kéo đồng minh châu Âu và tại châu Á để kiềm chế năng lực tăng trưởng của Trung Quốc.

Nhóm 7 nước có nền kỹ nghệ tiên tiến nhất thế giới đã dự định sẽ ra một thông cáo chung có liên quan đến Trung Quốc, dưới sự thúc đẩy từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cụ thể, các nước G7 sẽ đưa ra vấn đề với Trung Quốc một cách cụ thể hơn thay vì chỉ chung chung như mọi năm. Đồng thời, thông cáo chung cũng sẽ đưa ra danh sách các quan ngại của phía G7 bao gồm "sự cưỡng ép kinh tế và hành động khác mà họ đã thấy cụ thể".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.