Theo National Interest, Quân đội đã phải hủy bỏ cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh tầm xa vào đầu tháng 9 trước khi chính thức đưa vũ khí mới này vào trang bị chính thức theo kế hoạch vào cuối tháng 9.
"Không có gì lạ khi ngày thử nghiệm và trang bị phải điều chỉnh. Chúng tôi tiếp tục và rất tích cực thực hiện các cuộc thử nghiệm.
Mục tiêu của chúng tôi là đưa hệ thống vào trang bị càng sớm càng tốt sau khi thử nghiệm thành công. Đây là ưu tiên hiện đại hóa hàng đầu của Quân đội và Bộ Quốc phòng", báo Mỹ dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết.
Quân đội Mỹ cùng với Lockheed Martin phát triển vũ khí LRHW dành cho lực lượng Lục quân từ năm 2019 sau khi Nga và một số đối thủ của Mỹ đã bắt đầu trang bị loại vũ khí siêu thanh cho quân đội của mình.
"Vũ khí siêu thanh tầm xa LRHW có thể tiến công mục tiêu ở khoảng cách trên 2.775 km", Lục quân Mỹ cho biết hồi tuần trước.
Đây là lần đầu tiên lục quân Mỹ tiết lộ tầm bắn chính thức của LRHW. Tầm bắn này vượt xa mọi vũ khí trong biên chế Lục quân Mỹ hiện nay, trong đó tên lửa ATACMS chỉ có thể đánh trúng đích cách 300 km.
LRHW hoàn chỉnh gồm tên lửa đẩy cỡ lớn mang đầu đạn là phương tiện lướt siêu vượt âm không có động cơ. Tên lửa đẩy sẽ giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao cần thiết, sau đó phương tiện lướt sẽ bổ nhào về phía mục tiêu với tốc độ siêu vượt âm, gấp hơn 5 lần âm thanh.
Sau khi Mỹ chính thức tuyên bố hoãn thử và lùi thời điểm trang bị LRHW, Tướng Timothy Ray thuộc Quân đội Mỹ cho rằng, Lầu Năm Góc đang phí tiền khi đầu tư dự án tên lửa siêu vượt âm cho lục quân.
Ông cho biết loại vũ khí này không hấp dẫn với khách hàng nước ngoài tại châu Âu và châu Á, trong khi năng lực tiến công tầm trung của Mỹ có thể được đảm bảo bởi lực lượng oanh tạc cơ chiến lược mang tên lửa hành trình.
Trong khi đó theo tiết lộ của Tư lệnh Lục quân Mỹ Ryan McCarthy, quân chủng này đã đầu tư hàng tỷ USD vào dự án LRHW và đang đề xuất quốc hội Mỹ duyệt thêm 1,7 tỷ USD cho năm nay, trong đó 800 triệu USD sẽ dành phát triển khẩu đội tên lửa siêu vượt âm phóng từ mặt đất.
Lục quân Mỹ dự kiến sẽ bỏ ra 10 tỷ USD trong 10 năm tới cho LRHW. Washington đang phát triển nhiều hệ thống tên lửa tầm trung kể từ khi đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi năm 2019.
Hiệp ước này cấm Mỹ và Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Mỹ đang theo đuổi một số dự án tên lửa tầm trung mới, sau khi chương trình nâng cấp ATACMS bị đình trệ vì vấn đề kỹ thuật.