Chuyên gia Mỹ nói thẳng hiệu quả của HIMARS, Leopard

GD&TĐ -Theo chuyên gia quân sự Mỹ Bradley Blankenship, vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine không có ảnh hưởng nào đến diễn biến xung đột.

Hệ thống HIMARS Ukraine phóng đạn tấn công lực lượng Nga.
Hệ thống HIMARS Ukraine phóng đạn tấn công lực lượng Nga.

Nhận định của chuyên gia Bradley Blankenship trên tờ Global Times khi nói về hiệu quả của những vũ khí được phương Tây coi là 'thần kỳ' nhưng hiệu quả rất hạn chế khi tác chiến tại Ukraine.

"Tên lửa chống tăng vác vai (ATGM) Javelin, hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS, xe tăng Leopard, tên lửa hành trình Storm Shadow, xe chiến đấu bộ binh Bradley... và hiện nay là đạn uranium nghèo, đều được gọi là 'vũ khí thần kỳ', nhưng không loại nào trong số này có ảnh hưởng lớn đến tương quan lực lượng.

Người thể hiện mình tốt hơn không phải là người có 'đồ chơi đẹp nhất', mà là người có nhiều quân, nhiều xe tăng và pháo binh hơn, và có khả năng triển khai chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn", chuyên gia Bradley Blankenship nói.

Vị chuyên gia này cho biết thêm rằng, Nga vượt trội Ukraine về phương diện quân sự.

Ngoài ra, công chúng phương Tây ngày càng đặt nhiều dấu hỏi về khả năng đàm phán hòa bình, còn các nhà lãnh đạo phương Tây dù không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột nhưng vẫn tiếp tục bơm thêm vũ khí cho Kiev.

Trước đó khi phát biểu tại Triển lãm quốc phòng Army-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho rằng vũ khí phương Tây được quảng cáo rằng rất mạnh mẽ và hiệu quả, nhưng không đáp ứng kỳ vọng trong xung đột Ukraine.

"Vũ khí Nga đã thể hiện tính tin cậy và hiệu quả trong điều kiện thực tế.

Ngược lại, những khí tài được quảng cáo rộng rãi của phương Tây lại cho thấy chúng còn xa mới đạt trạng thái hoàn hảo.

Ai cũng có thể thấy điều đó khi nhìn khu trưng bày vũ khí được lực lượng Nga thu giữ", ông Shoigu cho biết.

Bộ trưởng Shoigu khẳng định các tập đoàn quốc phòng Nga đã thích nghi tốt với áp lực từ những lệnh trừng phạt ngặt nghèo của phương Tây, đồng thời tăng tốc độ xuất xưởng vũ khí gấp nhiều lần so với giai đoạn trước chiến sự.

Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 6 tuyên bố thu giữ một số xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức chế tạo và xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley Mỹ viện trợ cho Ukraine sau những trận đánh tại mặt trận Zaporizhzhia.

Hình ảnh trên mạng xã hội cũng cho thấy lính Nga thu được thiết giáp bánh lốp AMX-10RC của Pháp, xe chiến đấu bộ binh CV90 Thụy Điển, nhiều loại xe thiết giáp chở quân và máy bay không người lái (UAV) tự sát Switchblade 600 do Mỹ chế tạo.

Những chuyên gia từ các tập đoàn quốc phòng Nga đang nghiên cứu những khí tài phương Tây bị thu giữ trên chiến trường Ukraine.

Họ đánh giá xe tăng và thiết giáp NATO có vỏ giáp tốt, nhưng sức cơ động kém và quá phức tạp, gây nhiều khó khăn cho quá trình vận hành và sửa chữa.

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không thay đổi được gì mà chỉ kéo dài xung đột.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.