Đốc thúc người học

GD&TĐ - Kiểm tra tiếng Anh đầu vào là công việc thường niên của các trường đại học với tân sinh viên.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Mục đích của kỳ kiểm tra là phân loại năng lực tiếng Anh của người học để xếp lớp theo trình độ phù hợp.

Thực tế kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào của các trường những năm gần đây cho thấy năng lực ngoại ngữ của học sinh phổ thông đã cải thiện hơn trước. Dù vậy, vẫn còn nhiều tân sinh viên không đủ trình độ theo học lớp đầu tiên trong chương trình tiếng Anh chính khóa. Tỷ lệ này ở các trường có điểm tuyển sinh thấp có nơi trên 50%. Kết quả khảo sát thường thấp ở nhóm kỹ năng nghe, nói, viết, đặc biệt tập trung ở nhóm học sinh khu vực nông thôn, miền núi.

Nguyên nhân do ở bậc phổ thông, môn Tiếng Anh chủ yếu dạy ngữ pháp, kỹ năng nghe và nói rất hạn chế, điều kiện học tập ngoại ngữ của học sinh nông thôn chưa theo kịp thành phố.

Trong khi đó, đào tạo và thi tiếng Anh bậc đại học, đặc biệt là đầu ra của các trường chủ yếu thực hiện dựa trên 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo định dạng đề thi Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Một nguyên nhân khác cũng không loại trừ là không ít học sinh học lệch, học đối phó môn Tiếng Anh để tập trung vào các môn thi xét tuyển, có tâm lý đợi lên đại học mới tập trung vào ngoại ngữ.

Dù nhiều em sau đó đã nỗ lực học tiếng Anh trong giai đoạn đại học, nhưng trình độ tiếng Anh đầu vào quá thấp cũng ảnh hưởng lớn đến công tác đào tạo, kết quả đầu ra.

Hiện, tùy theo điều kiện, chương trình đào tạo của từng trường mà chuẩn đầu ra tiếng Anh có mức khác nhau, nhưng đa số yêu cầu phải đạt B1 theo khung tham chiếu châu Âu hoặc điểm IELTS từ 4.5 - 6.5 hay TOEIC từ 450 - 550. Dù chuẩn đầu ra nhiều trường so với mức điểm chuẩn của châu Âu chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn còn không ít sinh viên dai dẳng nợ chuẩn.

Hằng năm, Trường ĐH Tài chính – Marketing có khoảng 20%, Trường ĐH Đà Lạt có từ 20 - 30%, Trường ĐH Luật TPHCM có khoảng 23% sinh viên nợ chuẩn. Lãnh đạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM cũng nhìn nhận trong số 40% sinh viên tốt nghiệp trễ gần đây chủ yếu là nợ chứng chỉ tiếng Anh B1... Nhiều người đi làm 2 - 3 năm, trầy trật thi vẫn không đạt chuẩn, quá hạn nợ đã mất cơ hội nhận bằng tốt nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các trường đại học đang nỗ lực tăng cường năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Vì thế, việc phân loại trình độ tiếng Anh đầu vào để xếp lớp đào tạo, lựa chọn giảng viên, phương pháp giảng dạy phù hợp là một trong những giải pháp hiệu quả để các trường nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Tuy vậy, phân loại và xếp lớp chỉ là khâu ban đầu, quan trọng là quá trình bảo đảm chất lượng sau đó, đặc biệt là công tác giám sát, động viên, đốc thúc sinh viên học tập.

Thực tế thời lượng học tiếng Anh ở đại học hiện chỉ khoảng 18 - 24 tín chỉ/năm, tương đương 270 - 360 tiết, trong khi để đạt trình độ TOEIC 450 cần đến 400 tiết. Các trường thường tập trung hoàn tất số tiết theo chương trình, nên để đạt chuẩn đầu ra, sinh viên cần tự học hoặc học thêm bên ngoài. Điều này phụ thuộc rất lớn vào mức độ tự giác của người học. Chứng chỉ tiếng Anh có thời hạn 2 năm, nên không ít sinh viên đợi đến cuối năm 3 hoặc 4 mới lo thi trả nợ, bấy giờ “đua” không kịp.

Cùng với kiểm tra đầu vào, xếp lớp phù hợp, nâng cao chất lượng giảng dạy, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát để đốc thúc sinh viên học ngoại ngữ tốt hơn, sớm hoàn tất chuẩn đầu ra.

Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM có chính sách kiểm soát từ năm 2, nếu hết năm mà không đạt A2 thì sinh viên không được học tiếp năm 3. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cứ 2 tháng lại tổ chức thi B1 nội bộ/lần để sinh viên biết mình biết ta. Những cách làm hiệu quả này cần nhân rộng để động viên, đốc thúc người học, giảm tình trạng không tốt nghiệp được vì nợ chuẩn tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ