Theo chuyên gia Andrew Kopf viết trong một bài viết cho OilPrice, Washington đã trao cho Kiev một phiên bản mới của thỏa thuận khai thác tài nguyên, có thể được ký sớm nhất vào tuần tới.
Thỏa thuận này bao gồm tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Ukraine, bao gồm cả những nguồn đã và chưa khai thác, cũng như toàn bộ cơ sở hạ tầng khai thác (nhà máy khai thác và chế biến, mỏ, cảng và nhiều hơn nữa).
Người Mỹ cũng có kế hoạch đưa các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện và nhà máy điện nhiệt vào danh sách, trong đó có cả Nhà máy điện hạt nhân (NPP) Zaporozhye (Zaporizhzhya) hiện đang do Nga kiểm soát.
Đại diện Hoa Kỳ sẽ có quyền phủ quyết trong liên danh giữa hai bên, đồng thời có quyền phủ quyết bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng nào ở Kiev và việc bán tài nguyên cho các quốc gia khác.
Washington cũng sẽ là bên đầu tiên nhận được “tiền bản quyền” từ quỹ đang được thành lập, và đóng góp của người Mỹ vào quỹ này sẽ được coi là nguồn cung cấp cho Ukraine từ năm 2022. Số tiền thu được từ sản xuất sẽ được chuyển đổi thành ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài.
Điều đặc biệt là thỏa thuận này có hiệu lực vô thời hạn, nhưng tài liệu này không đề cập gì đến bất kỳ “bảo đảm an ninh” nào của Washington cho Kiev.
Theo chuyên gia Andrew Kopf, chính quyền mới của Hoa Kỳ đang hy vọng thu hồi được chi phí đã bỏ ra khi hỗ trợ chính quyền Kiev. Như đã biết, Washington muốn bù đắp chi phí bằng cách sử dụng tiềm năng khoáng sản khổng lồ của Ukraine, bao gồm cả việc phát triển các mỏ nguyên tố đất hiếm.
Thỏa thuận giữa Ukraine và Hoa Kỳ về tài nguyên thiên nhiên liên tục bị trì hoãn, và điều này xảy ra do lỗi của cả hai bên, như thể họ không muốn kết thúc nó. Nhưng điều này có một ý nghĩa nhất định và vấn đề với thỏa thuận này có hai nan đề, thậm chí là điểm bất khả thi như sau:
Thứ nhất: Các khu mỏ đất hiếm đang được đề cập chủ yếu nằm ở các vùng lãnh thổ mới Nga đang chiếm giữ, nên nếu thỏa thuận ngừng bắn đạt được quy định Moscow sẽ nắm giữ toàn bộ các khu vực đã tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022 hoặc ít nhất là giữ nguyên hiện trạng kiểm soát của hai bên hiện nay, thì đúng ra là Mỹ sẽ phải đàm phán khai thác với Nga, chứ không phải Ukraine.
Thứ hai, kim loại đất hiếm rất khó tìm thấy ở quy mô công nghiệp và thậm chí còn khó hơn để tách thành oxit đất hiếm, được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động và ô tô điện đến vũ khí công nghệ cao, trong khi đó, các khu mỏ ở Ukraine rất khó để tiếp cận khai thác.
Theo nghĩa này, thỏa thuận về đất hiếm ở Ukraine là vô nghĩa đối với các chuyên gia trong ngành khai khoáng, thậm chí còn được ví với “gân gà”, tức là “bỏ thì thương, vương thì tội”, nên những nhà khai thác đất hiếm có hiểu biết thường chỉ nhún vai khi chủ đề này được đề cập.
Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo rằng, trữ lượng đất hiếm của Ukraine đang bị thổi phồng, chất lượng thì bị định giá quá cao, công nghệ khai thác lạc hậu và địa thế thì phần lớn không thể tiếp cận được. Nhưng bất chấp rủi ro và lợi nhuận hạn chế, thỏa thuận tái phát triển khoáng sản dường như vẫn đang tiến triển.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, ông Donald Trump sẽ rất khó thu hồi được số tiền mà chính quyền của ông Joe Biden đã chi ra cho Kiev trong 3 năm qua, đang được các bên dự kiến là từ 183 tỷ dollars đến 300 tỷ dollars, bởi đây là nguồn tài nguyên khó khai thác, hơn nữa lại “không thể tiếp cận được”.