Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí chiến lược của mình, điều này đã được xác nhận trong báo cáo mới của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc (Báo cáo Sức mạnh Trung Quốc 2024).
Theo thống kê, tính đến giữa năm 2024, Trung Quốc đã có hơn 600 đầu đạn hạt nhân.
Để so sánh, báo cáo năm ngoái cho biết con số ở mức 500 đơn vị, và dự kiến sẽ vượt 1.000 vào năm 2030, đưa Bắc Kinh trở thành một trong những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Yếu tố quan trọng trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, được coi là một trong những phương tiện mang vũ khí hạt nhân tiên tiến nhất.
Mỗi tên lửa nặng 80 tấn này được trang bị 10 đầu đạn có thể nhắm mục tiêu riêng lẻ, với đương lượng nổ lên tới 1 megaton. Tầm bắn của DF-41 đạt tới 14 nghìn km, cho phép nó tấn công hầu hết các vị trí trên toàn thế giới.
Để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, DF-41 được trang bị nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm mồi nhử hồng ngoại, lưới gây nhiễu và màn chắn khí dung.
Nhờ những công nghệ này, tên lửa có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ một cách hiệu quả và đưa đầu đạn tới mục tiêu được chỉ định. Tốc độ của đầu đạn ở giai đoạn cuối trong quỹ đạo đạt 4,5 km/s, điều này làm phức tạp đáng kể việc đánh chặn chúng.
Cộng đồng thế giới đang theo dõi sự phát triển nhanh chóng về tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc. Các chuyên gia Lầu Năm Góc cảnh báo rằng việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân như vậy có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới và đe dọa sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điều đáng quan tâm nữa là Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế, bởi họ cho rằng kho vũ khí của nước này nhỏ hơn rất nhiều so với Mỹ và Nga.
Kế hoạch xây dựng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc đặc biệt gây chú ý trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ và các đồng minh. Bắc Kinh thường xuyên thể hiện thành tựu của mình trong lĩnh vực công nghệ quân sự, khi tiến hành thử nghiệm và cải thiện đặc tính chiến đấu của vũ khí.
Như Lầu Năm Góc lưu ý, việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân sẽ làm mất ổn định cán cân quyền lực toàn cầu đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.
Trước tình hình trên, các chuyên gia kêu gọi nối lại đối thoại với Trung Quốc về vấn đề giải trừ hạt nhân và kiểm soát vũ khí.