Trong biên chế Hải quân Việt Nam vẫn còn một số tổ hợp 4K51 Rubezh (SS-C-3), đây là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển do Liên Xô nghiên cứu chế tạo trong giai đoạn 1970 - 1978 và đưa vào sử dụng từ đầu thập niên 1980.
Thành phần tổ hợp 4K51 bao gồm 1 xe mang phóng 3P51 (dựa trên khung gầm xe tải hạng nặng MAZ-543) sử dụng để đặt radar điều khiển hỏa lực MR-331 Rangout cùng cụm ống phóng KT-161 mang 2 tên lửa hành trình đối hạm P-15M Termit (SS-N-2 Styx).
Mặc dù tổ hợp Rubezh không thực sự lạc hậu nhưng lại sử dụng tên lửa quá cũ, đạn P-15 Termit đã ra đời từ thập niên 1950 có tầm bắn chỉ 80 km, tốc độ tối đa Mach 0,95 và mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 513 kg.
Kích thước của tên lửa P-15 khá lớn, bay hành trình cao (giai đoạn cuối tên lửa vẫn còn ở độ cao trên 100 m), tốc độ chậm, khả năng cơ động kém, ngoài ra nó còn rất dễ bị gây nhiễu trong môi trường tác chiến điện tử dày đặc.
Đối diện tình hình trên, việc thay thế các tổ hợp 4K51 Rubezh là yêu cầu tương đối cấp thiết, trước kia có ý kiến cho rằng mua sắm những tổ hợp Bal-E hay Rubezh-ME là phương án tối ưu, nhưng hiện tại tình hình đã thay đổi.
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã trưng bày tổ hợp tên lửa bờ thế hệ mới có tên gọi VCS-01 sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật rất đáng chú ý.
Thành phần tổ hợp VCS-01 bao gồm: Xe nạp đạn VTRV-01; Xe chỉ huy - điều khiển VCPV-01; Xe mang phóng tự hành VLV-01; Xe radar cảnh giới và chỉ thị mục tiêu VRS-MCX; Đạn tên lửa hành trình chống hạm VSM-01A.
Theo giới thiệu, tên lửa VSM-01A có tầm bắn 80 km, vận tốc cận âm, trang bị đầu dò VASK-03 đường kính 272 mm, hoạt động trên băng tần Ku, tầm phát hiện mục tiêu tối đa 20 km với tàu khu trục, có khả năng chống nhiễu cao.
So với P-15 Termit, đạn VSM-01A sở hữu tầm xa tương đương, mặc dù uy lực đầu đạn không bằng nhưng nhờ kích thước nhỏ gọn, nên khả năng "tàng hình" tốt hơn rất nhiều và còn thực hiện được thao tác vận động phức tạp nhằm đánh lừa phòng không hạm tàu của đối phương.
Căn cứ vào những thông số cơ bản, tổ hợp VCS-01 và tên lửa VSM-01A rõ ràng là sự thay thế xứng đáng nhất cho 4K51 Rubezh đã lạc hậu khi vừa có tính năng kỹ chiến thuật cao, lại là sản phẩm do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo, đảm bảo được cả vấn đề bảo mật và giá thành khi so sánh với phương án nhập khẩu những sản phẩm nước ngoài như Bal-E hay Rubezh-ME.
Không chỉ có vậy, trên nền tảng VCS-01, hoàn toàn có thể tích hợp thêm một loại tên lửa hành trình chống hạm kích thước lớn và có tầm xa hơn VSM-01A, khi đó chúng ta sẽ có một hệ thống phòng thủ bờ biển không thua kém gì Bal-E với đạn Kh-35UE do Nga sản xuất.