Tại cuộc họp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cơ quan nghiên cứu của Washington được tài trợ bởi quân đội, Thiếu tướng quân đội Mỹ Sean Gainey cho biết:
"Năng lượng định hướng, vi sóng công suất cao, thiết bị đánh chặn chi phí thấp là công nghệ chúng tôi hướng tới để đối phó với số sự nguy hiểm từ UAV và cuộc tấn công theo kiểu bầy đàn của loại vũ khí này".
Ken Bedingfield, giám đốc tài chính của L3Harris Technologies, đồng ý rằng việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) ngày càng tăng đã tạo ra tình huống cấp bách. Đại diện nhà sản xuất vũ khí cho biết: "Chúng tôi đã hơi muộn khi tìm cách đối phó với loại hình vũ khí này".
Khi Mỹ công bố nỗ lực đa quốc gia nhằm đối phó với các cuộc tấn công của lực lượng Houthi, RTX (công ty mẹ của Raytheon) hôm 19/12 thông báo rằng Hải quân Mỹ đã đặt hàng hai hệ thống vũ khí năng lượng điều khiển bằng vi sóng mới để tiêu diệt các mục tiêu trên không.
"Raytheon, một doanh nghiệp RTX, sẽ thiết kế, xây dựng và thử nghiệm hai hệ thống ăng-ten vi sóng công suất cao sẽ sử dụng năng lượng định hướng để đánh bại các mối đe dọa trên không với tốc độ ánh sáng", thông báo của RTX cho biết.
Theo hợp đồng 3 năm trị giá 31,3 triệu USD từ Trung tâm tác chiến bề mặt hải quân Dahlgren Division, Raytheon sẽ cung cấp các hệ thống nguyên mẫu cho Hải quân và Không quân Mỹ.
Raytheon cho biết các hệ thống này sẽ được thiết kế để có thể dễ dàng vận chuyển được và là giải pháp đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí để đối phó với mối đe dọa từ máy bay không người lái.
Tuy nhiên, nhà thầu Mỹ sẽ không thể cung cấp nguyên mẫu cho quân đội cho đến năm 2024 và 2026, thực tế này cho thấy những cuộc tấn công bằng UAV vẫn là nguy cơ rất lớn đối với Mỹ và đồng minh trong những năm tới.
Việc sản xuất vũ khí đã được tư nhân hóa quy mô lớn ở Mỹ kể từ những năm 1940. Các nhà thầu quân sự thường cố gắng bán cho Lầu Năm Góc các chương trình vũ khí mới đắt tiền nhằm tăng lợi nhuận cho các nhà sản xuất tư nhân, nhưng một số người đặt câu hỏi liệu chiến lược này có tạo ra một quân đội hoạt động tối ưu hay không.
Cuộc phản công gần như giẫm chân tại chỗ của Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Donbass đã khiến hiệu quả của các hệ thống vũ khí Mỹ bị nghi ngờ.
Trong khi đó, Nga đã tìm cách vượt qua Mỹ trong một số công nghệ quan trọng thế hệ tiếp theo, đặc biệt Moscow gần đây đã sử dụng vũ khí siêu thanh một cách rất hiệu quả trong các cuộc tấn công của mình.
Paul Head, giám đốc công nghệ Thế hệ tiếp theo tại Raytheon, thừa nhận rằng vũ khí vi sóng có thể sẽ không vô hiệu hóa hoàn toàn một bầy đàn UAV với số lượng lớn. Nhưng ông và các nhà thầu khác hy vọng họ có thể bán công nghệ này cho Lầu Năm Góc như một phần của hệ thống đánh chặn nhiều lớp để ứng phó với mối đe dọa.
Head cho biết: "Nếu có khoảng 20 mối đe dọa sắp xảy ra thì vũ khí vi sóng công suất cao của chúng tôi cũng chỉ có thể giải quyết một nửa trong số đó. Nhưng chừng đó cũng giúp giảm bớt được 10 mối đe dọa mà chúng tôi cần phải giải quyết".
Đầu năm nay, Không quân Mỹ đã thử nghiệm hệ thống Thor để vô hiệu hóa máy bay không người lái, một công nghệ đã được phát triển trong vài năm.
Nhà thầu Lockheed Martin cũng đang thử nghiệm một hệ thống mà họ đặt tên là Morfius, được vận chuyển bằng máy bay không người lái và nhằm mục đích tấn công tầm ngắn nhằm vào UAV đối thủ.
Nhưng việc phát triển một hệ thống phát ra chùm tia đủ mạnh để phá hủy thiết bị điện tử của đối phương trong khi vẫn đủ nhỏ gọn để áp dụng thực tế đã chứng tỏ là một thách thức.
Trong khi chưa làm chủ được vũ khí công nghệ cao này thì Mỹ khẳng định các cường quốc nước ngoài đã thành công, đồng thời tuyên bố các nhà ngoại giao tại đại sứ quán Mỹ ở Moscow và Bắc Kinh đã trở thành mục tiêu của một loại vũ khí mới đáng sợ nhưng vô hình. Nhưng bằng chứng để chứng minh những tuyên bố không bao giờ xuất hiện.
Cáo buộc tái xuất hiện gần đây khi các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba phàn nàn về "Hội chứng Havana", nhưng Cơ quan Tình báo Trung ương buộc phải thừa nhận rằng những triệu chứng kỳ lạ đó không phải do bất kỳ kẻ thù nước ngoài nào gây ra.