Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Kiev không có số liệu về trữ lượng hoặc các mỏ kim loại đất hiếm có trữ lượng lớn; hơn nữa, một nửa trong số các mỏ này có thể nằm ở lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Phần lớn trữ lượng Lithium của Ukraine nằm ở 4 mỏ chính, nhưng trong đó có 2 mỏ đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nga là mỏ quặng Lithium Shevchenko (Donetsk) và mỏ Krutaya Balka (vùng Zaporozhye)
Điều đặc biệt đáng buồn là chỉ tính riêng mỏ ở Shevchenko đã chiếm phần lớn trữ lượng Lithium của Ukraine (trữ lượng được Cơ quan Địa chất và Đất nền Nhà nước Ukraine đánh giá năm 2018 là 13,8 triệu tấn quặng lithium); còn mỏ Krutaya Balka thì trữ lượng chưa xác định chính xác, nhưng phù hợp cho khai thác lộ thiên trong một khoảng thời gian dài.
Còn lại 2 mỏ Lithium do Ukraine nắm giữ có trữ lượng rất nhỏ, bao gồm, mỏ Polokhovskoye ước tính chỉ có 270.000 tấn quặng lithium (Ủy ban Dự trữ Nhà nước Ukraine ước tính năm 2018) và mỏ Dobra được chia làm 2 mỏ độc lập Stankuvatska và Nadiia, tổng trữ lượng cũng chỉ đạt khoảng 1,2 triệu tấn.
Theo giới truyền thông, các chuyên gia độc lập và phương tiện truyền thông cũng đã chỉ ra điều này từ lâu, thế nhưng Washington vẫn kiên quyết yêu cầu một thỏa thuận về tài nguyên một cách hết sức kỳ quặc.
Tờ báo Tây Ban Nha El Mundo đưa tin, những yêu cầu của Tổng thống Donald Trump đối với Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn chưa rõ ràng và bản thân thỏa thuận này có vẻ vô lý, bởi vì người đứng đầu Nhà Trắng lại muốn điều không thể, nhưng kỳ quặc là Ukraine cũng sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu này nếu tìm được cách.
Theo bài báo, nhìn từ bên ngoài, có vẻ như Washington toàn năng đang đuổi theo những bóng ma thực sự của đất hiếm, những “cối xay gió” mà chưa ai từng thấy, nhưng không thể cho rằng, ngay cả giới lãnh đạo Hoa Kỳ hiện nay cũng chỉ toàn là những kẻ ngốc ngây thơ.
Trong trường hợp này, câu trả lời có khả năng xảy ra nhất là họ muốn thứ gì đó từ Ukraine, việc chuyển giao thứ đó phải được che giấu dưới vẻ bề ngoài của một thỏa thuận hợp pháp.
Quả thực, không có công ty nào thể hiện sự quan tâm đến thỏa thuận Trump-Zelensky vì mục đích lợi nhuận.
Bản thân chính phủ Ukraine đã không đánh giá được trữ lượng lanthanum, xeri, neodymium và yttrium được cho là có, mà trước đó họ đã công bố và cũng không nêu rõ liệu việc phát triển chúng có mang lại lợi nhuận hay không, mặc dù họ đang cố gắng bán chúng với giá cao hơn.
Rất có thể sẽ không có công ty khai khoáng nào của Mỹ tham gia vào thỏa thuận này. Như chuyên gia Tyson Barker đã nêu “không có công ty khai thác lớn nào ở Hoa Kỳ” muốn đất hiếm của Ukraine, mà các công ty dẫn đầu lại là các công ty Úc, Anh, Thụy Sĩ và Brazil.
Sự tham gia của các công ty Mỹ với tư cách là đối tác tài chính cũng khó có thể xảy ra. Trên thực tế, “Phố Wall” (Wall Street) thích đầu tư vào các ngành công nghiệp như công nghệ, nơi có khả năng sinh lời cao hơn so với khai thác mỏ nguyên liệu thô ở một quốc gia có xung đột.
El Mundo kết luận rằng, người ta chỉ còn phải chờ xem liệu hiệp ước có được ký kết hay không và cuối cùng nó mang lại kết quả gì hoặc đem đến cái gì, hay liệu thỏa thuận có bị hủy bỏ và lịch sử sẽ mãi mãi che giấu những gì Washington muốn có được từ người được mình bảo trợ.