Sau cú sốc Sumy, Đức sẵn sàng gửi Taurus để đe dọa cầu Kerch

GD&TĐ - Sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo Iskander của Nga vào Sumy, Đức sẵn sàng gửi tên lửa Taurus tới Kiev, để Ukraine sử dụng tấn công cầu Kerch.

Sau cú sốc Sumy, Đức sẵn sàng gửi Taurus để đe dọa cầu Kerch

Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz đã gia nhập nhóm các nhà lãnh đạo châu Âu “lên án” cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga vào một mục tiêu quân sự của Quân đội Ukraine ở Sumy và cho biết, Kiev cần được giúp đỡ để “tiến lên” trong cuộc xung đột với Moscow.

Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lời ông Friedrich Merz khẳng định rằng, chính quyền Đức đã sẵn sàng gửi loại tên lửa tấn công mặt đất phóng từ trên không mang tên Taurus KEPD-350 cho Quân đội Ukraine.

Ông một lần nữa nhấn mạnh mong muốn giúp đưa Kiev vào vị thế có lợi hơn trong cuộc xung đột với Moscow.

“Tôi sẵn sàng thực hiện điều này, nhưng tôi cũng muốn bước đi này được thực hiện phối hợp với các đồng minh châu Âu” - người đứng đầu chính phủ tương lai của Đức nói, nhưng có cảm giác ông sợ phải chịu trách nhiệm cá nhân về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Theo Merz, chính quyền Berlin đã “rất muộn” trong quyết định này, vì tất cả các đồng minh của Ukraine, ví dụ như Mỹ, Anh, Pháp…, đều đã cung cấp tên lửa hành trình tấn công mặt đất cho Kiev.

“Người Pháp và người Mỹ cũng như người Anh đều làm như vậy. Đức cũng nên làm như vậy vì đã đạt được giải pháp chung” - vị Thủ tướng Đức tương lai nhấn mạnh.

Khi công bố kế hoạch của mình, ông nhà lãnh đạo Berlin không chỉ bày tỏ ý định sẵn sàng cung cấp tên lửa Taurus, mà còn ám chỉ rằng KEPD-350 có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu như Cầu Kerch (còn gọi là cầu Crimea), cây cầu nối lục địa Nga với bán đảo Crimea.

Cầu Kerch được coi là biểu tượng cho sự thành công của Moscow trên bán đảo đã sáp nhập vào lãnh thổ Nga tháng 3/2014, đồng thời đã từng được sử dụng như một tuyến giao thông chính tăng viện binh lực và cung cấp vũ khí, trang bị cho nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Nga tham chiến ở miền nam Ukraine.

Do đó, cầu Crimea đã bị Ukraine nhiều lần tấn công bằng các loại tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG do Anh/Pháp cung cấp, hoặc tên lửa của Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) được Mỹ viện trợ, khiến Nga buộc phải ngừng sử dụng cây cầu này như một tuyến cung cấp chính, để chuyển sang sử dụng các tuyến đường khác.

Do đó, nếu được Đức đồng ý chuyển tên lửa Taurus, chính quyền Kiev sẽ có thêm một loại vũ khí tầm xa nguy hiểm để tiếp tục tấn công các tuyến đường vận tải ở hậu phương của Lực lượng Vũ trang Nga, cùng với các mục tiêu trên tiền tuyến của các nhóm quân Nga tham chiến ở Ukraine.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Đức, tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không Taurus KEPD-350 được tạo ra bởi liên doanh giữa nhà sản xuất tên lửa châu Âu MBDA và công ty Saab của Thụy Điển, có tầm bắn hơn 500 km.

Taurus vừa sở hữu tính năng tàng hình chống các hệ thống phòng không, vừa có tầm phóng xa hơn Storm Shadow/SCALP-EG do Anh và Pháp cung cấp, vượt qua cả các Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội do Hoa Kỳ cung cấp (300km), cho phép Lực lượng Vũ trang Ukraine tấn công xa hơn nhiều.

Các chuyên gia quân sự Nga và phương Tây thừa nhận rằng, những đặc điểm như vậy của KEPD-350 ẩn chứa nguy cơ cao dẫn đến xung đột leo thang và lan rộng ra ngoài Ukraine.

Do đó, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz, người liên tục trì hoãn việc chuyển giao tên lửa tầm xa cho Kiev, đã làm đúng khi trong suốt trong nhiệm kỳ của mình, ông đã kiên trì bảo vệ quyết định không chuyển giao Taurus cho chính quyền Kiev.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ