Mỹ có dừng chuyển vũ khí để ép Ukraine đàm phán với Nga?

GD&TĐ - Một quan chức Mỹ bác bỏ thông tin cho rằng, Mỹ và Đức đang từ chối vận chuyển vũ khí tới Ukraine để buộc Kiev phải đàm phán hòa bình với Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Phát biểu với báo chí hôm 27/11, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu James O'Brien cho biết, Washington không có chính sách đẩy Ukraine vào bàn đàm phán.

“Chúng tôi luôn nói rằng, đây là vấn đề do Ukraine quyết định”, Reuters dẫn lời ông O’Brien nói.

Những bình luận trên được quan chức Mỹ đưa ra sau khi tờ báo Bild của Đức hôm 24/11 trích dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng, Mỹ và Đức đang từ chối cấp vũ khí cho Ukraine nhằm ép Kiev phải đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Nga, thuyết phục Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky rằng, ông không thể chiếm lại lãnh thổ đã mất.

Bild nói rằng, bằng cách cung cấp cho Kiev đủ vũ khí chính xác để giữ vững chiến tuyến hiện tại nhưng không tạo ra bất kỳ bước đột phá đáng kể nào, Washington và Berlin nhằm mục đích thúc đẩy Tổng thống Zelensky đàm phán mà không yêu cầu ông một cách rõ ràng.

Bất kể thông tin này có đúng hay không, Mỹ thực tế đã cung cấp cho Ukraine các gói vũ khí ngày càng nhỏ hơn trong những tháng gần đây.

Khi ở Kiev vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố một đợt vũ khí và đạn dược mới trị giá 100 triệu USD, giảm so với đợt 125 triệu USD được công bố vào đầu tháng, và nhỏ hơn đáng kể so với đợt 400 triệu USD và 500 triệu USD lượt giao hàng diễn ra vào đầu năm nay.

Trong bối cảnh hỗ trợ quân sự ngày càng suy giảm, Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang thúc ép Quốc hội phê duyệt hơn 60 tỷ USD tài trợ bổ sung cho Kiev.

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa bị chia rẽ giữa những người bảo thủ theo đường lối cứng rắn, những người hoàn toàn từ chối hỗ trợ chi tiêu thêm cho Ukraine, và một nhóm chính thống muốn bất kỳ gói viện trợ nào cũng phải gắn liền với việc tăng cường tài trợ cho an ninh biên giới Mỹ.

Theo một cuộc thăm dò của NORC - Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của Associated Press công bố tuần trước, khoảng 45% người Mỹ tin rằng, nước họ đang gửi quá nhiều tiền tới Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với CNBC hồi đầu tháng này: “Trong khi các quan chức Mỹ luôn khẳng định rằng, chỉ Ukraine mới quyết định thời điểm tìm kiếm hòa bình, nhưng chính phủ và xã hội dân sự Ukraine ‘hoàn toàn phụ thuộc’ vào viện trợ của Mỹ để hoạt động”.

“Vì vậy, người Ukraine cần phải ‘trưởng thành và quyết định cách phát triển đất nước của mình”, Aleksey Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine lưu ý.

Theo số liệu của Nga, mặc dù cuộc phản công mùa hè của Ukraine không thể chiếm lại được vùng đất đã mất và dẫn đến tổn thất hơn 103.000 quân, Tổng thống Ukraine Zelensky nói với Reuters vào tuần trước rằng, đất nước của ông sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi chiếm lại được tất cả các vùng lãnh thổ trong biên giới năm 1991 của mình.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ