Tờ Politico của Mỹ đầu tuần này dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị cho các kịch bản không hề mong muốn ở Ukraine.
Đó là khả năng Kiev buộc phải kéo dài cuộc chiến và một cuộc phản công dường như là không thể mang lại những chiến thắng tinh thần nào.
Một quan chức đề nghị giấu tên cho biết Mỹ đã “tăng cường” vũ khí, trang thiết bị cho Ukraine và “gần như hoàn thành” tất cả những gì Kiev yêu cầu. Nhưng đằng sau những cánh cửa đóng kín, Mỹ “lo lắng về những gì Ukraine có thể đạt được”.
Theo đó, trong các tuyên bố công khai, chính quyền Mỹ đang thể hiện sự ủng hộ "không lay chuyển" với Ukraine nhưng các quan chức trên cho rằng, Nhà Trắng có thể sẽ chịu chỉ trích gay gắt nếu cuộc phản công mùa xuân mà Ukraine triển khai không đạt kết quả như mong đợi.
Phe "diều hâu" sẽ cho rằng Mỹ và các đồng minh đã không cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho Ukraine, trong khi phe "bồ câu" sẽ coi đó là bằng chứng cho thấy Kiev không thể chiến thắng và việc tiếp tục dồn vũ khí đạn dược cho Ukraine là hoang phí.
Theo lời ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nói với Politico, Mỹ đã "cạn" đạn dược và các vũ khí nếu cứ tiếp tục cuộc chiến với Nga ở Ukraine.
“Nếu Ukraine không thể giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường, câu hỏi chắc chắn được đặt ra là liệu đã đến lúc thương lượng để ngừng giao tranh hay chưa... Nó [cuộc chiến ở Ukraine - ND] là đắt đỏ, chúng tôi sắp hết đạn dược, chúng tôi có những tình huống dự phòng khác trên khắp thế giới cần chuẩn bị" - ông Haass nói.
Politico lưu ý rằng, các lực lượng của Kiev đã sử dụng “số lượng đạn dược và vũ khí ở mức lịch sử” và “ngay cả sản lượng phi thường của phương Tây” cũng không thể đáp ứng nhu cầu của họ.
Lầu Năm Góc ban đầu có mục tiêu Ukraine đạt được khả năng tiếp cận bán đảo Crimea hoặc làm cản trở các tuyến tiếp tế của Nga ở chiến trường. Tuy nhiên, càng ngày Mỹ càng nghi ngờ về khả năng mà phía Kiev có thể làm được.
Theo các quan chức Mỹ, Washington đang đặt ra khả năng về một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giống như Thỏa thuận Minsk vào năm 2015 giữa chính quyền Kiev và các vùng ly khai ở Donbass. Điều đó cũng cho phép Ukraine có thể chờ đợi thêm nhiều tiền hơn, nhiều vũ khí hơn từ châu Âu.
Phía Mỹ cũng được cho là đang gây sức ép với Trung Quốc nhằm thúc giục Bắc Kinh ép Nga ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine.
Một người lính Ukraine mang hệ thống tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất, đi trên con đường ở Donetsk. Ảnh chụp tháng 6/2022 - AP. |
Trong khi phương Tây lo ngại về việc Ukraine sử dụng vũ khí và đạn dược vượt cả mức sản xuất, các thông tin từ truyền thông Nga lại cho thấy, rất nhiều vũ khí được tài trợ khi đến tay Ukraine đã đi ra... chợ đen.
Theo ước tính của RT, chỉ có 30% số vũ khí mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine đã đến được tiền tuyến.
Seymour Hersh, một nhà báo điều tra nổi tiếng của Mỹ, tiết lộ rằng các chỉ huy của Ukraine đang bán lại các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp cho các tay buôn lậu ở Ba Lan, Romania và một số quốc gia khác.
Đáng chú ý là phương Tây đã biết về việc này.
"Theo tôi, thường thì không phải các tướng lĩnh, mà là những người được phân công trực tiếp sử dụng vũ khí sẽ bán lại chúng cho thị trường chợ đen," ông Hersh nói.
Việc phương Tây lo lắng là do số vũ khí gửi đến Ukraine bao gồm cả tên lửa Stinger, có khả năng bắn hạ máy bay ở độ cao khá cao.
Liên quan đến vấn đề này, quan chức Nga đã cảnh báo nhiều lần về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể bị lọt vào tay các nhóm khủng bố, cực đoan và tội phạm ở Trung Đông, Trung Phi và Đông Nam Á, gây lo ngại về an ninh toàn cầu.
Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova từ hồi tháng 8/2020 đã đề cập: “Các loại vũ khí quân sự được NATO cung cấp cho chính phủ Ukraine cuối cùng lại rơi vào tay những kẻ khủng bố, cực đoan và các nhóm tội phạm ở Trung Đông, Trung Phi và Đông Nam Á".
Bà đã ước tính rằng giá trị của thị trường chợ đen này có thể lên đến 1 tỷ USD mỗi tháng.