Mỹ chuẩn bị cho việc mọi hiệp ước hạt nhân sụp đổ

GD&TĐ - Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách Không gian Vipin Narang nói, Mỹ có thể phải xem xét lại quy mô, thế trận hạt nhân của mình.

Mỹ muốn tăng số lượng đầu đạn hạt nhân.
Mỹ muốn tăng số lượng đầu đạn hạt nhân.

Theo RIA, tuyên bố được ông Vipin Narang đưa ra hôm 1 tháng 8 trong bài phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức.

"Nếu không có sự thay đổi trong quỹ đạo hạt nhân của CHND Trung Hoa, Nga và Triều Tiên, chúng ta có thể đạt đến điểm mà cần phải thay đổi quy mô hoặc thế trận của lực lượng triển khai hiện tại", quan chức quốc phòng Mỹ nói.

Ông Narang cho biết hiện tại không cần phải tăng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ nhưng việc điều chỉnh số lượng năng lực triển khai có thể là cần thiết nếu đối thủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu của họ.

Vị quan chức này nói thêm rằng Mỹ không tìm kiếm một thế trận hạt nhân không bị kiềm chế vì nước này đang trong quá trình đánh giá lại các biện pháp ngăn chặn các đối thủ ngang hàng của mình.

"Chúng tôi không nói về tư thế hạt nhân không bị kiềm chế. Chúng tôi đang suy nghĩ cẩn thận về những gì cần thiết để ngăn chặn và đó không phải là tư thế không giới hạn", ông nói.

Trợ lý ngoại trưởng chỉ ra rằng Mỹ đang xem xét các biện pháp điều chỉnh vị thế hạt nhân của mình, bao gồm cả việc tăng năng lực phóng tên lửa trong tương lai và số lượng đầu đạn được triển khai.

"Chúng tôi cũng đang xem xét và ưu tiên những cách khác mà chúng tôi có thể điều chỉnh vị thế của Mỹ. Chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu các lựa chọn để tăng khả năng phóng trong tương lai hoặc triển khai thêm đầu đạn trên bộ, trên biển và trên không để tăng tính linh hoạt khi cần", Narang lưu ý.

Vị quan chức này nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục tuân thủ các giới hạn của Hiệp ước START Mới trong suốt thời hạn của hiệp ước miễn là nước này đánh giá rằng Nga vẫn tiếp tục làm như vậy.

"Chúng tôi cũng sẽ tuân thủ các giới hạn cốt lõi của New START trong suốt thời hạn của hiệp ước miễn là chúng tôi đánh giá rằng Nga vẫn tiếp tục làm như vậy", ông nói.

Hiệp ước New START giữa Nga và Mỹ sẽ hết hạn vào năm 2026. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết việc gia hạn hiệp ước chỉ có thể thực hiện được sau khi Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và ngăn chặn Kiev gia nhập NATO.

Ông Narang nói thêm: "Chúng ta phải chuẩn bị cho một thế giới mà những hạn chế về kho vũ khí hạt nhân sẽ hoàn toàn biến mất.

Việc hiện đại hóa năng lực hạt nhân của Mỹ ngày nay, chuẩn bị cho những điều chỉnh về tư thế trong tương lai có thể giúp khuyến khích các đối thủ của chúng ta tham gia vào các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí chiến lược".

Tuy nhiên, ông này cảnh báo rằng nếu các đối thủ tiếp tục chọn cách khiến thế giới "kém an toàn hơn", Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng thực hiện những gì cần thiết để cạnh tranh và ngăn chặn hành vi xâm lược chống lại mình và các đồng minh.

Ông Vipin Narang nhấn mạnh rằng Mỹ phải tiếp tục thuyết phục Nga, Trung Quốc và Triều Tiên rằng quản lý sự cạnh tranh hạt nhân tốt hơn là tham gia vào cuộc cạnh tranh hạt nhân không kiềm chế.

"Việc Mỹ đơn phương cắt giảm không phải là cách tiếp cận hiệu quả để giảm thiểu rủi ro hạt nhân. Chúng ta nên tiếp tục cố gắng thuyết phục các đối thủ của mình là Nga, Trung Quốc, Triều Tiên rằng việc quản lý sự cạnh tranh thông qua kiểm soát vũ khí là tốt hơn so với cạnh tranh hạt nhân không bị kiềm chế", Narang lưu ý.

Tuy nhiên, ông Narang cáo buộc rằng các đối thủ hạt nhân của Mỹ đã chọn con đường cạnh tranh hoặc xung đột trực tiếp thay vì hợp tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...