Tuyên bố tiếp theo
Lực lượng Mỹ và Anh đã thực hiện một loạt các cuộc không kích vào hơn 60 mục tiêu tại 16 địa điểm của lực lượng Houthi ở miền bắc Yemen vào tối 11 và 12 để trả đũa các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu có liên quan đến Israel ở Biển Đỏ kể từ tháng 11.
Phong trào Ansar Allah (Houthi) đã cam kết rằng hai cường quốc phương Tây sẽ phải "trả giá cao" cho các cuộc tấn công diễn ra trong khuôn khổ Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ lãnh đạo ở Biển Đỏ.
Nhà phân tích quân sự Nga Andrei Martyanov nói với RIA rằng với hoạt động không có dấu hiệu mở rộng và có vẻ như Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao sinh lực ở Biển Đỏ và có thể hướng tới một thất bại trong khu vực.
Ông nói rằng các tàu khu trục Mỹ được triển khai tới Biển Đỏ "có thể có radar rất tốt, nhưng nếu Houthi sử dụng lượng lớn máy bay không người lái về phía đó, cuối cùng chúng sẽ hết tên lửa để đối phó".
"Khả năng tiêu hao nhất với Mỹ trong trường hợp này có thể nói xát muối vào vết thương, sẽ là việc Houthi có thể sẽ phóng máy bay không người lái trị giá 5.000-6.000 USD để khiến Mỹ sử dụng tên lửa phòng không trị giá 1,5-2 triệu USD của mình", Martyanov nói.
Theo ông, nếu Mỹ có một số tàu khu trục, chưa nói đến tàu sân bay, bị trúng loại thiết bị nổ hoặc máy bay không người lái nào đó, thì đó sẽ không chỉ là vấn đề kỹ thuật và tác chiến mà còn là một vấn đề chính trị lớn với Mỹ.
"Một trong những tiết lộ gây sốc nhất là có thể Mỹ có vũ khí cực tối tân như quảng bá nhưng chúng lại không thể phát huy hiệu quả với đòn tấn công bằng lượng lớn tên lửa và UAV của Houthi.
Và có một thực tế rõ ràng là hệ thống phòng không trên hạm của Mỹ từng nhiều lần thất bại khi đối phó với những tên lửa hành trình chống hạm và UAV đặc biệt khi chúng được phóng với số lượng lớn trong các cuộc diễn tập bắn đạn thật trước đó", nhà phân tích chỉ ra.
Khi được hỏi về tình hình leo thang hơn nữa ở Biển Đỏ, Martyanov gợi ý rằng lực lượng Mỹ có thể triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay của họ và thực hiện các đợt ném bom, bắn tên lửa vào bất cứ mục tiêu nào của Houthi họ tìm thấy ở miền bắc Yemen.
"Tấn công kiểu này có thể không hiệu quả, nhưng ít nhất họ sẽ nói, 'bạn thấy đấy, chúng tôi không bị thiệt hại gì'. Họ sẽ tuyên bố chiến thắng và rời khỏi vùng biển này", nhà phân tích lập luận.
Cuối cùng, ông vẫn hoài nghi về việc Mỹ đưa quân tới miền bắc Yemen, cho rằng động thái như vậy sẽ "rất có vấn đề" và chính quyền Mỹ không muốn sa lầy vào một cuộc chiến mới khi cuộc bầu cử tổng thống của nước này đang đến gần.
Tên lửa hành trình chống hạm của Houthi. |
Mỹ ở thế buộc phải tấn công
Trước khi các cuộc tấn công của liên quân Mỹ, Anh nhằm vào Houthi diễn ra, lực lượng vũ trang tại Yemen này trước đó cho biết chỉ tập kích các tàu của Israel hoặc có liên hệ với Tel Aviv, nhằm gây sức ép buộc nước này ngừng chiến dịch tấn công Hamas tại Dải Gaza.
Tuy nhiên, Houthi gần đây cảnh báo sẽ tấn công tất cả các nước liên quan tới liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Biển Đỏ.
Theo Martyanov, để đối phó với mối đe dọa này, liên minh chỉ triển khai tàu chiến, tiêm kích đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) mà nhóm vũ trang phóng, do không muốn xung đột lan rộng ở Trung Đông, cũng như lo ngại rủi ro có thể xảy ra khi phải leo thang đối đầu với Houthi.
Đây được đánh giá là chiến lược phòng thủ bị động, trong đó tàu chiến Mỹ, Anh và các nước trong liên minh thường xuyên túc trực, tuần tra trên Biển Đỏ, sử dụng hệ thống cảm biến hiện đại để phát hiện tên lửa, UAV Houthi đe dọa tàu hàng.
Khi phát hiện mối đe dọa, các chiến hạm này sẽ phóng tên lửa để đánh chặn. Mỹ dường như hy vọng việc duy trì chiến lược phòng thủ bị động này sẽ mở cánh cửa để giải quyết căng thẳng bằng con đường ngoại giao, có thể là thông qua bên thứ ba như Iran, hoặc cho đến khi Houthi tự chấm dứt các cuộc tập kích.
Nhưng kỳ vọng này sụp đổ khi Houthi hôm 9/1 tiến hành đợt tấn công lớn kỷ lục bằng tên lửa và UAV vào các tàu hàng cũng như chiến hạm Mỹ, Anh trên Biển Đỏ. Đòn tấn công này khiến Washington nhận ra rằng tình thế phòng thủ bị động của họ không chỉ gây tốn kém về chi phí, mà còn tạo nguy cơ rất lớn về khí tài và con người.
Trong vụ tập kích, nhóm vũ trang tại Yemen đã triển khai tổng cộng 21 tên lửa, UAV các loại, tất cả được cho là đã bị tiêm kích và tàu chiến của Mỹ, Anh bắn hạ.
Một nguồn tin cho biết một UAV của Houthi đã lọt qua lớp phòng thủ bên ngoài và áp sát tàu chiến HMS Diamond của Anh, buộc nó phải khai hỏa pháo phòng không 30 mm trong hệ thống phòng thủ tầm cực gần để bắn hạ. Trong khi đó, lực lượng Houthi tuyên bố, một số tàu Mỹ và anh đã trúng tên lửa.
Ngay cả khi tàu chiến Mỹ và đồng minh không bị tổn hại, không phải lúc nào lực lượng này cũng phản ứng kịp thời để bảo vệ tàu hàng ở Biển Đỏ.
Đặc biệt, việc nạp đạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi tàu chiến Mỹ, Anh phải di chuyển quãng đường dài về bến cảng có hạ tầng thích hợp để bổ sung đạn được. Điều này sẽ để lại lỗ hổng trong lưới phòng thủ trên Biển Đỏ nếu không có khí tài thay thế.
Thực tế này cũng đã được Sidharth Kaushal, chuyên gia hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết: "Những hệ thống phóng thẳng đứng trên tàu chiến thường không thể nạp đạn ở trên biển, mà phải quay về cảng để tiếp thêm vũ khí. Điều này về lâu dài sẽ trở nên rất tốn thời gian và tiền bạc".
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Việc Mỹ, Anh tấn công Houthi không phải là cách để chấm dứt xung đột ở Biển Đỏ, nhưng là một bước quan trọng để có thể tiến tới điều này. Dù vậy, động thái này có thể khiến Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến mới và làm lan rộng xung đột trong khu vực".