Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết, khả năng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đang được xem xét tùy thuộc vào diễn biến tình hình. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thảo luận về kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Bessent lưu ý rằng mục tiêu là thiết lập mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Ukraine và thu hút sự ủng hộ từ người dân Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẵn sàng mời Nga ngồi vào bàn đàm phán, khẳng định rõ ràng rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là có thể thực hiện được trong một số điều kiện nhất định.
Trước đó vào ngày 19 tháng 2 năm 2025, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã nói với các đồng minh châu Âu rằng Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga cho đến khi đạt được thỏa thuận hòa bình về Ukraine. Điều này nhấn mạnh rằng việc hủy bỏ những hạn chế có liên quan trực tiếp đến tiến triển trong vấn đề đàm phán hòa bình.

Đáp lại những tuyên bố này, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga - bà Elvira Nabiullina cho biết, bản thân không có thông tin về bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Bà Nabiullina nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương Nga không tham gia vào các cuộc thảo luận như vậy, nhưng vẫn tiếp tục nỗ lực để lấy lại tài sản bị đóng băng ở nước ngoài.
Các nhà phân tích lưu ý rằng việc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt có thể bao gồm việc hủy bỏ hoặc miễn trừ hạn chế thứ cấp đối với các nước thứ ba hợp tác với những ngân hàng Nga thuộc diện bị hạn chế.
Việc khôi phục một phần hoạt động của hệ thống thanh toán quốc tế Visa và Mastercard trên thị trường Nga dành cho các ngân hàng không bị trừng phạt cũng đang được thảo luận.
Cùng lúc đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce nhấn mạnh rằng Mỹ và Nga đã nhất trí tìm hiểu triển vọng hợp tác về trong vấn đề lợi ích địa chính trị chung, cũng như một số cơ hội kinh tế và đầu tư có thể phát sinh khi xung đột kết thúc thành công.