Muôn màu sắc Tết

GD&TĐ - Dù đêm giao thừa không được sum họp cùng người thân, nhưng trong lòng mỗi chiến sỹ vẫn ánh lên niềm vui ấm áp tình người, tình đồng đội…

Bữa cơm ngày tết của lính đảo Phan Vinh
Bữa cơm ngày tết của lính đảo Phan Vinh

Sấy… ti vi đợi Tết

Mỗi năm vào dịp giáp Tết, Bộ GD&ĐT thường tổ chức các chuyến thăm hỏi, động viên các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên của đất nước nơi biên giới, hải đảo. Cùng với các gói quà Tết còn là những tiếng hát, điệu múa của các em sinh viên được chọn cử theo đoàn.

Hôm đoàn đến một đơn vị bộ đội ở Tràng Định (Lạng Sơn), cũng là thời điểm Tết Nguyên đán chỉ còn tính từng ngày. Đơn vị đóng quân trên đỉnh núi, sát đường mòn biên giới.

Những người sĩ quan, chiến sĩ đến giờ vẫn nhớ các “cô bé xinh xinh múa đẹp hát hay”, hay xốn xang vì giọng hát của cô bé Khánh Linh, có cậu còn cố xin lại những tấm hình có cô để lưu vào điện thoại ngắm trong những ngày Tết doanh trại. Chỉ 2 năm sau, Khánh Linh đã thành ca sĩ nổi tiếng, từ bài hát Cô Tấm ngày nay năm nào.

Giống như Khánh Linh, năm đó Thu Trang mới 18 tuổi, trẻ con nhất đoàn, nhưng đã trải qua hơn 6 năm học tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, giờ đã trở thành diễn viên nổi tiếng. Cũng chính cô bé sau một hồi thực địa đã đặt câu hỏi: Sao ở đây lại phơi ti vi với điện thoại? Quả thật, giữa sân một chiếc ti vi lớn (dạng đèn hình lồi) được tháo trần vỏ nằm phơi nắng, xung quanh dăm bảy chiếc điện thoại.

Một sĩ quan trẻ đứng bên cười: “Trên này ẩm ướt quanh năm, may hôm nay được bữa nắng, anh em phơi để Tết lấy cái xem. Chứ như có năm, đang chương trình Táo quân đêm 30 thì tịt ngóm, thi nhau sấy mãi đến qua giao thừa mới lên. Anh em cứ trêu nhau: Có cái ti vi xem Tết mà cả đơn vị sấy hai năm mới xong”.

Món quà Tết là tên lửa gỗ

Lữ đoàn Phòng không 673 (Lạng Giang, Bắc Giang) cách thành phố Bắc Giang chỉ hơn 20 km, nhưng khu vực đơn vị đóng quân hoàn toàn đồi núi và biệt lập. Đặc biệt hơn nữa, đơn vị này có đến 90% chiến sĩ là người Hà Nội, trong đó khá nhiều chiến sĩ thuộc “gia đình có điều kiện”.

Vậy nhưng, đố ai nhận ra các “công tử” đó giữa hàng trăm chiến sĩ đang miệt mài trên thao trường kia. Nếu Đại úy Nguyễn Bá Hiếu - Phó Bí thư Đoàn - không xác nhận, có lẽ không mấy ai tin ngày đầu nhận quân, hơn nửa số tân binh vẫn chưa kịp… nhuộm lại tóc xanh đỏ.

Buổi thi gói bánh chưng chiều hôm đó, nhanh nhất và đẹp nhất lại là mấy cậu lính dân gốc Hà thành. Nhớ mãi một cậu binh nhì, dù sắp đến ca gác, vẫn cố kéo tôi lại: “Anh qua ngõ Tạm Thương, đầu Hàng Bông rẽ vào, nhà em ở giữa ngõ, em sẽ gọi trước về nhà” rồi dúi vội một mô hình… tên lửa Tomahawk bằng gỗ, được đẽo gọt khá khéo léo và sơn phết cẩn thận.

Quà Tết cho cậu em đang học THCS mà cậu binh nhì đã kỳ công làm cả tuần nay - Món quà Tết độc đáo của người lính Phòng không xa nhà…

Ngày Tết mưu sinh

Năm nay sẽ là cái Tết thứ hai Nguyễn Văn Thành (quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) ăn Tết tại Hà Nội. Nói là “ăn Tết” vậy thôi, chứ như Tết Quý Tỵ, cả 3 ngày Tết là 3 buổi Thành trực trắng đêm.

Tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội hè năm 2012, Thành quyết định học chuyển tiếp lên Bác sĩ Nội trú, thời gian chủ yếu là đi thực tập tay nghề tại bệnh viện Bạch Mai. Đáng ra ngày Tết được nghỉ, nhưng thời điểm đó có một ca bệnh đúng chuyên môn anh đang theo đuổi đề tài.

Suy tính mãi, cuối cùng Thành quyết định ở lại, với sự động viên của thầy hướng dẫn. Chiều mùng Ba Tết, anh gọi điện về nhà, báo tin mừng bệnh nhân đã tỉnh và được chuyển qua phòng hồi sức cấp cứu. Món quà đầu xuân của người bác sĩ tương lai, giản dị đến nao lòng.

Tết Giáp Ngọ này cũng là năm thứ hai Nguyễn Thanh Hào - Học viên năm thứ hai Cao học Tài chính của ĐH Kinh tế Quốc dân ở lại Hà Nội. Hào kể mấy năm trước còn là sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM, em chỉ về quê ăn Tết một lần duy nhất năm thứ nhất. Quê ở miền Trung, mỗi lần đi về tốn kém hàng triệu bạc.

Năm đầu ở lại cũng lo, nhưng được các anh chị khóa trên giới thiệu đi bán rượu Tết cho một siêu thị lớn ở Cống Quỳnh (quận Nhất), chỉ từ 23 tháng Chạp đến chiều mùng 2 Tết, đã kiếm được gần 5 triệu đã trừ tiền ăn uống, đủ trả tiền học phí và ăn ở đến gần hè.

Cô em họ Linh Giang của Hào - Sinh viên năm thứ hai Khoa tiếng Trung của trường ĐH Hà Nội cũng quyết định ở lại Hà Nội trong dịp Tết này để làm phiên dịch bán thời gian tại Ban dự án xây dựng ở khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Giang kể thù lao thỏa thuận 500 nghìn đồng/ngày, tính từ 20 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết.

Cô cho biết mẹ chỉ làm giáo viên tiểu học, bố đã mất từ lâu, mỗi tháng gửi ra 2 triệu đồng coi như đã hết hơn nửa tháng lương, trong khi ở lại làm thêm 2 tuần Tết cô đã có được 6 triệu đồng.

“Chiều mùng 5 làm xong là em về ăn Tết muộn với mẹ” - Linh Giang tâm sự. Chợt thấy cô sinh viên năm hai đã trưởng thành hơn khi ghé đôi vai thiếu nữ san bớt gánh nặng mưu sinh giúp gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.