Thế giới loài cú

GD&TĐ - Cùng với lối sống về đêm, cho đến nay, cú vẫn là loài động vật đầy bí hiểm. Không chỉ là loài lông vũ săn mồi thượng thừa, nó còn là nỗi ám ảnh huyền thoại và dị đoan của nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, bất chấp những áp đặt của con người, cú chỉ là một loài chim như bao loài chim khác. Chúng đang rơi vào nguy cơ tuyệt chủng vì sự tràn lan của nạn phá rừng, cần được bảo vệ khỏi cả những tai ương tự nhiên lẫn mê tín.

Cú đại bàng Á Âu, một trong những loài cú lớn nhất thế giới, sải cánh 1.8m
Cú đại bàng Á Âu, một trong những loài cú lớn nhất thế giới, sải cánh 1.8m

Thính giác hoàn hảo

Nhân loại luôn quan tâm tới cú. Từ thời kỳ đồ đá, cú đã là một trong những động vật được khắc trên tường hang động Chauvet, Pháp. Một trong những điểm đặc biệt của loài cú là nó có hai mắt ở phía trước trong khi hầu hết các loài lông vũ đều có mắt phân bố đối diện hai bên nửa đầu.

Cú cũng có khả năng xoay đầu tới 270 độ để bù khuyết cho sự thiếu linh hoạt của đôi mắt. Dù là tiếng kêu ban đêm hay cái nhìn chằm chằm vào ban ngày, bất kể tại phương Đông hay phương Tây, cú cũng khiến nhiều người lạnh gáy.

Chúng ta tin tiếng cú rúc báo hiệu cho cái chết, tội ác. Ngay cả trong hôm nay, cú vẫn là nỗi ám ảnh bất an của nhiều người. Dù nó không làm bất cứ điều gì xấu, người ta vẫn bắt giết ngay khi vừa gặp, bởi tin rằng nó sẽ đem lại vận rủi.

Khác với nỗi ám ảnh của phần đông các nền văn hóa, người Hy Lạp coi cú như hóa thân của trí tuệ. Hình “con cú của Athena” trên tiền xu Athens cổ có nguyên mẫu là Athene noctua, một loài cú nhỏ. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy loài cú này vùng Địa Trung Hải. Người Châu Âu và Mỹ không xem cú như sứ giả địa ngục song, họ coi nó là biểu tượng của sự dối trá.

Phần lông vũ nhô lên giống như tai trên đầu cú chỉ là tai giả
 Phần lông vũ nhô lên giống như tai trên đầu cú chỉ là tai giả
Cú mặt cười độc đáo của New Zealand, đã tuyệt chủng
 Cú mặt cười độc đáo của New Zealand, đã tuyệt chủng

Sự thật về loài cú, dù ít huyền bí, không kém phần thú vị hơn những gì văn hóa nhân loại gán cho chúng. Với tập tính săn mồi, cú thật sự là cái máy giết chóc ấn tượng. Nó thậm chí có khả năng hạ thủ cả những chim chóc hoặc động vật lớn hơn.

Cặp chân to khỏe, móng vuốt sắc nhọn, đôi cánh được tiến hóa phù hợp với việc giới hạn tối đa âm thanh khi bay, tai và mắt cực kỳ nhanh nhạy, cú không bao giờ thất bại trong công cuộc đi săn. Khác với niềm tin của phần lớn các nền văn hóa, cú có thể nhìn thấy trong ánh sáng ban ngày, dẫu không mấy tinh tường.

So với thị giác, thính giác mới là món quà tạo hóa đặc biệt ưu ái cho loài cú. Nhờ nó, cú có khả năng định vị con mồi ngay cả trong bóng đêm đen đặc.

Ở một số loài cú, một tai lớn và cao hơn tai còn lại. Nó giúp cú xác định được mọi động tĩnh của con mồi. Ví dụ, cú hù xám lớn ở Bắc cực thậm chí có thể chui sâu vào lòng tuyết, tóm gọn động vật gặm nhấm, những kẻ xấu số cứ tưởng đã nhờ lòng đất che giấu mọi âm thanh. Đôi tai giả bằng lông vũ trên đầu cú không liên quan gì đến hệ thống thính giác tuyệt vời này. Chúng chỉ như một kiểu ngụy trang vào ban ngày.

Phân loài bằng tiếng kêu

Có hơn 200 loài cú trên thế giới được xác nhận. Tuy nhiên, đây chưa phải con số chính xác. Cú là loài dễ bị tổn thương, sắp bị tuyệt chủng. Ít nhất là từ 50 năm trước, cú mặt cười New Zealand đã biến mất, cùng với nó là nhiều loài động vật nhiệt đới khác do khai thác rừng trồng cọ và làm nông nghiệp.

Kể từ năm 2004, cú vọ Piersambuco của Brazil không còn được nhìn thấy ở bất cứ đâu. Rất nhiều loài cú khác chỉ sống ở Indonesia hoặc Philippines cũng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn phá rừng, sự xâm lấn của các loài ăn thịt khác như rắn, kiến.

 Cú ria dài Peru, không còn xuất hiện từ năm 2007

Mặt khác, các loài cú mới cũng đang được phát hiện. Tháng 9/1976, John P. O’Neill và Gary Graves, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Louisiana, Mỹ, tiến sâu vào dãy Andes phía bắc Peru, quốc gia ở Nam Mỹ.

Sau ba ngày lặn lội, họ phát hiện một chú cú bé nhỏ. Nó được đặt tên là cú ria dài vì bộ lông lạ mắt của mình. Ngoại hình cú ria dài không giống với bất cứ loài cú nào nên nó được xếp trong chi mới, Xenoglaux, nghĩa là “con cú kì lạ”.

Tuy nhiên, sau năm 2007, người ta không còn nhìn thấy loài cú này nữa. Thay vào đó, một hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái được mở tại địa điểm cú ria dài có thể xuất hiện. Nhà nghỉ tiện nghi mọc lên, hết lòng phục vụ những du khách muốn tìm kiếm loài sinh vật lạ lùng này.

Nghiên cứu khoa học phát hiện nhiều loài cú mới hơn so với quan sát thực tiễn. Thiết bị ghi âm kỹ thuật số phân tích tiếng kêu của cú, phân tách chúng vào các chi khác nhau. Cú, giống như nhiều động vật săn mồi hung dữ khác, có ý thức chủ quyền lãnh thổ mạnh mẽ. Nếu một con cú đực cùng loài bay vào lãnh địa của nó, nó sẽ dốc toàn lực đánh đuổi.

Bằng cách phát âm thanh tiếng kêu của một con cú khác, các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng dụ “chủ vùng đất” đến tấn công. Nhờ kỹ thuật này, họ thu thập thêm hiểu biết về cú, xác định số lượng, sự phân bố.

Việc phân tích bằng âm thanh cũng đảo ngược cách phân loại cú truyền thống. Trước đó, những con cú có bề ngoài giống nhau được xếp vào cùng một chi. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ lưỡng chỉ ra, dù ngoại hình giống nhau, chúng có thể thuộc những họ khác nhau. Một con cú cái tuyệt đối không giao phối với con cú đực không cùng kiểu tiếng kêu với nó.

Phân loại cú cũng được điều chỉnh lại bằng kiểm tra DNA. Không như các loài chim khác, cú là loài sinh sản biệt lập, có những khác biệt về mặt di truyền. Vị trí địa lý cô lập dân số cũng như quyết định giọng hót của chúng. Phân tích DNA là cách thức rườm rà, đắt đỏ song, so với phân tích âm thanh, nó chi tiết, chính xác hơn. Với sự kết hợp của phân tích âm thanh và phân tích DNA, nhiều chi cú mới được thành lập.

Cộng sinh với người

So với các loài cú nhiệt đới, cú bắc Mỹ được nghiên cứu kỹ hơn. Ngay trong Thành phố New York cũng có cú. Ngoại trừ cú trắng, chúng đều khá to lớn. Khi sang đông, vài loài cú khác ở phía bắc cũng bay về. Chúng bao gồm cú tai dài, cú mèo, cú vọ. Trong khi các loài chim sẻ xớn xác vì những “tay thợ săn” mới đến, các nhiếp ảnh gia bỏ cả ăn ngủ để đi tìm cú.

Dù ngoại hình tương tự, cú mèo (trái) và cú mèo Châu Mỹ (phải) là hai chi hoàn toàn khác nhau
 Dù ngoại hình tương tự, cú mèo (trái) và cú mèo Châu Mỹ (phải) là hai chi hoàn toàn khác nhau

Một số loài cú thích nghi khá tốt trong khu định cư của người. Trong các vùng ngoại ô của Mỹ, không khó để tìm thấy cú mèo Châu Mỹ. Chỉ trong bán kính 15 dặm (24km) của Pennsylvania cũng có hơn 200 con được tìm thấy.

Cú đại bàng Á Âu, một trong những loài cú lớn nhất cũng xuất hiện ngay trong khu đông dân cư ở Tây Âu. Chúng không sợ người, làm tổ trong những mỏ đá và vách đá ở vùng nông thôn. Trong thành phố, chúng sử dụng những hộp được người đóng cho chúng làm tổ.

Cú hù nivicon sống trong khắp các công viên thành phố của Châu Âu. Giữa trung tâm Paris hoa lệ, cú cũng không ngại ngần bay lượn trên bầu trời đêm. Có rất nhiều loại gặm nhấm và chim nhỏ phát triển trong thành thị. Tất cả đều là những miếng mồi béo bở, dễ dàng cho cú săn bắt.

Tuy nhiên, để sống giữa loài người, cú phải đấu tranh kịch liệt với sự chuyển đổi của môi trường sống. Loài cú nhỏ của Athen đang ngày càng trở nên hiếm hơn trong vùng Địa Trung Hải, có lẽ do việc sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu đã triệt tiêu nhiều loài côn trùng lớn, thức ăn phổ biến của cú có kích thước nhỏ.

Dù phát triển nhiều kiểu dáng, kích cỡ, hành vi để phù hợp với môi trường sống mới, màu sắc của các loài cú đêm không mấy thay đổi. Chúng vẫn mang các biến tấu của màu nâu và màu xám bí ẩn. Với cú đêm, việc ngụy trang quan trọng hơn nhan sắc. Chúng chủ yếu sống về đêm, tán tỉnh bạn tình bằng tiếng kêu nên không cần tốn công trau truốt vẻ bề ngoài.

Chế độ ăn uống khác nhau quyết định kích thước của các loài cú. Trong khi loài cú nhỏ chủ yếu ăn côn trùng, chim chóc nhỏ, loài cú lớn có thể xử lý cả động vật có vú tầm trung. Một vài loài cú còn thích nghi với việc bắt cá. Trong những loài này, cú ăn cá Blakiston có kích cỡ lớn nhất.

Nỗ lực bảo vệ cú khỏi tuyệt chủng bắt đầu từ năm 1992, thậm chí trở thành một vấn đề trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cùng năm. Vì nạn phá rừng ở vùng tây bắc Thái Bình Dương, cú lông đốm hoàn toàn tuyệt chủng.

Ngày nay, hầu như không thể tìm thấy cú ở Canada. Loài cú lông sọc vốn sinh sôi nảy nở ở miền đông Hoa Kỳ cũng lánh sang vùng tây bắc Thái Bình Dương. Khi tới nơi này, nó đồng thời xua đuổi loài cú nhỏ hơn bản địa, cú lông đốm. Trong các khu rừng của Mỹ, cú lông sọc giờ hoàn toàn vắng bóng.

Nơi làm tổ của các loài cú cũng khác nhau. Trong khi cú mèo Athene cunicularia sống trong hốc, hố dưới lòng đất, cú tuyết làm tổ trên cây cao, rậm rạp, đảm bảo mát mẻ suốt quanh năm.

Một số loài cú thích nghi với việc săn bắt cá
 Một số loài cú thích nghi với việc săn bắt cá
Cú lông sọc vốn phổ biến đã trở nên vắng bóng tại Mỹ
 Cú lông sọc vốn phổ biến đã trở nên vắng bóng tại Mỹ
Theo Nybooks.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ