Muốn chấn hưng thì phải có sách!

GD&TĐ - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng thuộc lĩnh vực xuất bản. Nâng cao chất lượng các hoạt động phát triển văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Cùng với đó là phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội. Nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nghiên cứu, giáo dục và hình thành nhân cách con người.

Kế hoạch hướng đến tập trung hoàn thiện thể chế, tuyên truyền quảng bá và hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản, in và phát hành. Huy động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng tủ sách và phát triển văn hóa đọc tại vùng sâu, vùng xa…

Có thể nói, kế hoạch phát triển văn hóa đọc mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra rất chi tiết, phát triển kế hoạch theo từng giai đoạn và thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, bàn về văn hoá đọc thì ở nước ta còn rất nhiều vấn đề hạn chế. Bởi có lẽ, lượng tiêu thụ sách ở nước ta rất khiêm tốn, người dân ít đọc sách.

Muốn phát triển văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội. Giá trị và chuẩn mực được cấu thành bởi thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

Thế nhưng, nhiều khi người ta muốn đọc nhưng không biết đọc gì, và không biết có gì đáng đọc. Cùng với đó nhiều loại sách nhảm ra đời khiến cho công chúng cảm thấy chán nản, dần bỏ thói quen đọc sách.

Những người làm quản lý, thường lấy số lượng thống kê đầu sách để đánh giá chất lượng sáng tác. Đó là sai lầm, đi theo lối phong trào. Vì chất lượng không bao giờ sóng đôi với số lượng.

Thực tế vài năm gần đây, chúng ta không chỉ lạm phát sách mà còn lạm phát thơ, lạm phát sáng tác. Những tác phẩm không có giá trị, không có chân lý “nối đuôi” nhau ra đời.

Bởi vậy, để chấn hưng văn hoá đọc, điều đầu tiên là phải có sách hay và đáng đọc. Cùng với đó là loại bỏ khỏi thị trường những cuốn sách dở - nhảm. Đó là cách ứng xử để mỗi cá nhân trong xã hội nuôi dưỡng thói quen cũng như sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ.

Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Được bơi thỏa thích dưới làn nước mát mang đến cho trẻ thêm nhiều niềm vui và sự hứng khởi. (Ảnh: ITN).

Trẻ mấy tuổi học bơi tốt nhất?

GD&TĐ - Bơi rất có ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ đồng thời mang đến cho trẻ những ưu điểm vượt trội so với bạn bè.
Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.