Kéo học trò trở lại lớp

GD&TĐ - Kết thúc kỳ nghỉ Tết cổ truyền cũng là thời điểm các thầy, cô giáo ở vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) có thêm việc mới là “kéo học trò của mình trở lại lớp”. Bởi lẽ, sau khi được nghỉ học để về nhà đón Tết với gia đình, nhiều học sinh đồng bào dân tộc Mông có tư tưởng không muốn trở lại lớp học đúng lịch, hoặc cũng có em chẳng muốn đến trường nữa.

Học sinh ăn trưa tại bếp bán trú
Học sinh ăn trưa tại bếp bán trú

Gõ cửa từng nhà

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) nằm ở trung tâm xã nên khoảng cách từ trường về bản xa nhất của xã Trung Lý lên tới 50km đường rừng. Tà Kóm và Cá Ráng là hai địa điểm xa xôi, khó khăn nhất của xã Trung Lý. Vì thế, học sinh ở hai bản này mỗi khi tới trường để học chữ thì bố, mẹ hoặc người thân phải đưa các em đi.

Thầy giáo Đoàn Văn Sơn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường đã phân công thầy Ly Ly Pó (người Mông) và thầy Lộc Văn Chung (người Thái) ở địa phương chia nhau về hai bản Tà Kóm, Cá Ráng vận động học sinh đến trường đúng lịch học. Do đó, từ ngày mùng 4 Tết, các thầy tranh thủ đến thăm, chúc Tết gia đình học sinh đồng thời vận động cha mẹ cho các em tới lớp đúng lịch. Nhờ vậy, những ngày đầu, nhà trường có hơn 90% học sinh trở lại lớp học. So với mọi năm, số lượng học sinh trở lại lớp học sau kỳ nghỉ Tết đông đủ hơn cả.

Em Thào Thị Sua (người Mông), ở bản Tà Kóm (học sinh lớp 6A Trường PTDTBT-THCS Trung Lý), tâm sự: “Thầy Pó đến nhà chúc Tết và mừng tuổi cho em rồi dặn bố, mẹ em sắp xếp thời gian để đưa em đến trường vào ngày thứ 2 (11/2, tức mùng 7 tháng Giêng). Nhà em ở cách trường xa lắm, nên bố em phải chở bằng xe máy đến trường vào chiều ngày Chủ nhật (mùng 6 Tết)”.

Còn em Vàng A Dũng (người Mông), ở bản Cá Ráng (học sinh lớp 9A), cho hay: “Trước đây, sau những ngày nghỉ Tết, em vẫn nán lại nhà để chơi thêm một vài hôm nữa rồi mới đến trường. Nhưng năm nay, học lớp 9 rồi nên em không dám ở nhà chơi thêm nữa. Ngày mùng 5 Tết, thầy Chung đến nhà em chúc Tết và dặn em phải đến trường đúng lịch để học, nếu không sẽ không theo được chương trình. Do đó, chiều ngày mùng 6 Tết, bố đã đưa em tới trường để học”.

Thầy giáo Pó tâm sự: “Chúng tôi là người địa phương, thông thạo ngôn ngữ của bà con và đường đi, lối lại trong bản. Do đó, cha mẹ học sinh thấy thầy giáo đến thăm nhà, chúc Tết và đề nghị sắp xếp thời gian đưa con tới trường, bà con đều phấn khởi và làm theo”.

Nỗ lực duy trì sĩ số

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, năm nay các trường trong huyện đều có số lượng học sinh trở lại lớp học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đạt khoảng 90%, cao hơn so với năm học trước.

Thầy giáo Hoàng Sỹ Xuân – Hiệu trưởng TrườngPTDTBT-THCS Mường Lý (Thanh Hóa), cho biết: Đa số học sinh của trường là đồng bào dân tộc Mông. Trong khi phong tục, tập quán của đồng bào là ăn Tết, vui xuân kéo dài nên học sinh ở các bản cũng có tâm lý không muốn trở lại trường học sớm. Vì thế, giáo viên nhà trường rất vất vả trong việc đi vận động các em trở lại trường.

Cũng theo thầy Xuân, địa hình ở xã Mường Lý phức tạp, nhiều bản cách trường xa hơn 20 km, như bản Sài Khao, bản Suối Ún... nên việc huy động học sinh tập trung đúng lịch học cũng không đơn giản. Để khắc phục tình trạng học sinh trở lại trường học muộn sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường phải đề nghị UBND xã yêu cầu các trưởng bản tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân quan tâm thúc giục các em đến lớp. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm là những người trực tiếp đi đến từng hộ dân có học sinh ở các bản để vận động các em tới lớp.

Thầy Hoàng Anh Thanh, giáo viên Trường PTDTBT-THCS Mường Lý, tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết, chúng tôi phải phân công nhau đi vận động học sinh trở lại trường. Những ngày nắng ráo còn đỡ khổ, còn gặp những ngày trời mưa, giá rét lại càng vất vả hơn nhưng các thầy, cô giáo đều cố gắng đi vận động học sinh để duy trì sĩ số lớp học”.

Em Vàng Thị Chu, nhà ở bản Sài Khao (Mường Lý) hiện đang học lớp 6C, cho hay: “Ở bản, nhiều gia đình vẫn còn ăn cỗ Tết và đi chơi xuân, nhưng em phải xuống trường học, nếu không sẽ không theo kịp các bạn trong lớp”.

Ông Mai Xuân Giang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, cho biết: “Những năm trước, nhiều học sinh ở các bản xa xôi, hẻo lánh, vùng giáp biên giới thường trở lại lớp rất muộn. Còn năm nay, sĩ số học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ Tết được như vậy là do sự nỗ lực của giáo viên các nhà trường trong việc đến nhà vận động học trò trở lại lớp. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện cũng phối hợp với các xã, yêu cầu các trưởng bản tuyên truyền cho bà con không nên ăn Tết, vui xuân kéo dài để học sinh có thời gian đến trường đúng lịch”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.