Mùng 3 Tết thầy trong thời đại công nghệ 4.0

GD&TĐ - Dù đến thăm trực tiếp hay gửi lời chúc mừng qua tin nhắn, cuộc gọi thì thầy cô vẫn cảm nhận được tình cảm của học trò nhân ngày mùng 3 Tết thầy.

NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh và các em học trò tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, tỉnh Nam Định.
NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh và các em học trò tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, tỉnh Nam Định.

Lan tỏa giá trị mùng 3 Tết thầy

Trong không khí phấn khởi của toàn dân mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, mừng đất nước đổi mới không thể không kể tới lực lượng đông đảo là các nhà giáo. Dù đang công tác hay đã nghỉ chế độ, các thầy cô vẫn luôn tâm huyết với sự nghiệp Giáo dục nước nhà. Truyền thống "tôn sư trọng đạo" qua ngày mùng 3 Tết thầy tiếp tục là chủ đề được quan tâm.

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, nhà giáo Chu Thị Thìn - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) nay đã ngoài 70 tuổi vẫn không thể quên được bao kỷ niệm tuyệt vời cùng học trò bên mái trường thân yêu. Nghỉ chế độ từ năm 2005, cô vẫn được học sinh các thế hệ tới thăm vào mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mùng 3 Tết thầy hay những dịp hội khóa...

Nhà giáo Chu Thị Thìn quan điểm, dù là ngày lễ hay ngày thường được học trò cũ về thăm chính là niềm hạnh phúc với thầy cô giáo.

Nhà giáo Chu Thị Thìn quan điểm, dù là ngày lễ hay ngày thường được học trò cũ về thăm chính là niềm hạnh phúc với thầy cô giáo.

Cô Thìn tâm niệm, ai trong cuộc đời cũng đều được nhận "cơm cha, áo mẹ, chữ thầy". Dù ở thời đại trước kia khi cuộc sống khó khăn trăm bề, nhiều thầy cô đã luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ để học trò thành người nên các em rất quý mến.

Quan niệm về mùng 3 Tết thầy mang ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của học trò dành cho người thầy đã được người xưa truyền tục lại: "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy". Vào ngày này, học trò dắt theo bạn bè hay vợ con đến thăm và gửi lời chúc tốt đẹp nhân dịp đầu xuân năm mới là một niềm động viên tinh thần rất lớn tới thầy cô.

Cô Chu Thị Thìn luôn coi sự trưởng thành của học trò là niềm hạnh phúc của đời giáo viên.

Cô Chu Thị Thìn luôn coi sự trưởng thành của học trò là niềm hạnh phúc của đời giáo viên.

Điều nhà giáo Chu Thị Thìn vô cùng tâm đắc từ khi còn công tác là việc đổi mới giờ sinh hoạt dưới cờ. Thay vì chỉ đọc kết quả thi đua tuần, mỗi lớp trực tuần sẽ biểu diễn văn nghệ hay ra câu đố liên quan đến những kiến thức đã học hay các vấn đề thời sự đang được quan tâm để học sinh ngồi dưới trả lời.

Mỗi đáp án đúng các em sẽ nhận được chiếc bút bi hoặc cái thước. Điều này đã giúp kích thích được tính ham học hỏi của học sinh nên các em vô cùng hứng thú vào mỗi tiết chào cờ. Trong mỗi lần học sinh hội khóa hay gặp mặt cựu giáo chức, học trò và đồng nghiệp cũ lại ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ đó để cùng nhau ôn cố tri tân.

"Ngày nay giữa bao lo toan của cuộc sống, học trò đến thăm cô là điều vô cùng trân quý. Dù các em ra trường có làm công việc gì đi nữa, miễn sao được pháp luật cho phép thì đều rất đáng trân trọng. Được nhìn thấy các em ngày một chín chắn, trưởng thành chính là món quà vô giá mà mỗi người thầy cảm nhận được chứ không phải là những món quà vật chất" - nhà giáo Chu Thị Thìn bày tỏ.

Thầy cô cũng cần thay đổi

Nhà giáo Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc và các em học trò.

Nhà giáo Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc và các em học trò.

Gắn bó với ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc hơn 20 năm qua, nhà giáo Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc cho rằng, quan niệm mùng 3 Tết thầy đã thể hiện sự tri ân, kính trọng người thầy của ông cha ta tự ngàn xưa. Vai trò dẫn dắt của người thầy cho học trò ở mọi thời đại vẫn luôn tồn tại dù ở những hình thái khác nhau.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới giáo dục cộng với sự phát triển của công nghệ 4.0, giáo viên có thêm nhiều công cụ để giảng dạy và giao tiếp với học trò. Dẫu vậy, đi kèm với đó cũng là không ít thách thức khi học sinh, phụ huynh tham gia mạng xã hội ngày một nhiều nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng nó một cách hiệu quả.

Cô Hằng Hải nhấn mạnh, gìn giữ được nét đẹp văn hoá Mùng 3 Tết thầy cũng là để giáo dục cho học trò lòng biết ơn, tri ân thầy cô và sống có đạo nghĩa. Chúc Tết thầy không cần phải bằng những món quà sang trọng, món quà vật chất mà quan trọng là tình cảm và tấm chân tình của học trò, những lời chúc hay tấm thiệp.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hoàng (bìa trái), Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thượng Tiến và học trò.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hoàng (bìa trái), Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thượng Tiến và học trò.

Cùng quan điểm trên, nhà giáo Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết, truyền thống về Mùng 3 Tết thầy của cha ông ta là vô cùng đáng quý. Điều này thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc, giúp các thế hệ học trò luôn nhớ về những "người lái đò" đã và đang đưa mình qua sông để cập bến tri thức.

Tuy nhiên, sự mai một của Mùng 3 Tết thầy đang là một thực trạng. Nhiều người dường như không biết đến sự tồn tại của ngày này. Theo thầy Hoàng, điều này xuất phát từ sự phát triển của xã hội hiện đại làm thay đổi ý thức của học trò; đâu đó còn những thầy cô chưa chú trọng giáo dục lễ nghĩa cho trò; bố mẹ chưa quan tâm nhắc nhở con cái về ý nghĩa của mùng 3 Tết thầy.

Lớp của cô Quỳnh Anh tới thăm thầy giáo cũ là NGƯT Đỗ Thanh Dương nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Lớp của cô Quỳnh Anh tới thăm thầy giáo cũ là NGƯT Đỗ Thanh Dương nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trong tâm trí của NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh - tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) vẫn luôn in đậm hình bóng của các thầy cô đã đồng hành với mình từ thời học phổ thông. Vào các dịp 20/11 hay mùng 3 Tết hàng năm, cô Quỳnh Anh và các bạn lại cùng nhau tới thăm sức khỏe các thầy cô giáo cũ và ôn lại bao kỷ niệm đẹp tuổi học trò.

Cô giáo Trần Thị Tý - nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trần Đăng Ninh - TP Nam Định (tỉnh Nam Định) không giấu nổi niềm vui và xúc động khi cô học trò nhỏ Vũ Thị Quỳnh Anh năm nào vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú. Cô Tý là người luôn dạy học trò về lòng nhân ái, định hướng về nhân cách sống sao cho tử tế, hiếu thuận với các đấng sinh thành.

"Khi gia đình gặp biến cố, cô Tý đã sát cánh và động viên, hỗ trợ tôi thường xuyên để tiếp tục cố gắng học tập. Cô luôn dạy chúng tôi về tình yêu thương, lòng bao dung và tinh thần vượt khó. Khi học ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tôi tiếp tục được các thầy cô quan tâm và định hướng theo nghề Sư phạm. Ký ức về những lần tới nhà cô giáo chơi, ở lại ăn cơm nhà cô cùng chúng bạn thật vui vẻ sẽ mãi trong tâm trí tôi", NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh trải lòng.

"Ai sinh ra cũng có cho mình những người thầy từ mầm non, phổ thông, học nghề hay đại học và sau đại học. Dù xã hội có phát triển thì truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn song hành cùng dân tộc. Học trò vùng cao đến ngày 20/11 hay mùng 3 Tết vẫn hay tặng thầy cô những lời chúc chân tình, giản dị hay cái bánh chưng, bó hoa rừng đơn sơ khiến giáo viên rất ấm lòng và được tiếp thêm động lực. Chỉ mong các em sau này sẽ học hành nên người, góp phần dựng xây quê hương, đất nước", thầy Nguyễn Văn Hoàng tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.