Tết thầy

GD&TĐ - Thành ngữ trong dân gian có câu: “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”. “Tết”, trong ngữ cảnh này lâu nay ta hiểu theo nghĩa dâng lễ vật tạ ơn ân nhân của mình.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Con số “mồng Một, mồng Hai, mồng Ba” rất cụ thể, nhằm khẳng định, xác lập giá trị, vị trí người thầy trong xã hội, trong sự tôn kính, vinh danh… với niềm trân quí, yêu kính. Vậy “Tết thầy” là gì, lâu nay hầu như không phải ai cũng hiểu cặn kẽ?

“Ân sư giáo hóa tơ tằm vướng/Nghĩa đệ phụng từ ánh nến cao”. Trong dân gian truyền khẩu, ngày xưa những môn đệ thọ giáo vị thầy nào để có cái chữ của thánh hiền thì mỗi năm Tết đến, phải khăn đóng, áo dài nghiêm chỉnh, mang con gà trống thiến, mâm xôi đầy làm lễ vật để dâng biếu những vị thầy khả kính. Đó là đạo nghĩa, bổn phận của người học trò giàu tinh thần “Tôn sư trọng đạo”.

Ngoài ra trong ca dao còn có thành ngữ về người thầy: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy…”.

Trong Nho giáo sắp xếp thứ tự, vị trí người thầy có khác với trong dân gian: “Quân, sư, phụ”.

Cho dù, người thầy ngày nay trong xã hội có thay đổi trong quan niệm, đánh giá như thế nào, song người dạy chữ, đồng thời dạy nhân cách, đạo đức, văn hóa cho học trò bao giờ cũng ngời sáng giá trị nhân văn được xã hội tôn vinh, trọng thị.

Không những thầy cô bây giờ, hằng năm đến ngày Tết học trò mới đến thăm, dâng tặng những món quà mà có hẳn ngày Tết riêng cho thầy cô – Ngày 20/11. Không riêng gì ở Việt Nam, ngày 5/10 là ngày Tết chung cho thầy cô trên toàn thế giới.

Ở Thái Lan ngày 16/1 được chọn ngày “Tết thầy”, ở Hàn Quốc thì ngày 15/5. Nước Mỹ thì chọn ngày cuối tháng là 28/9. Bồ Đào Nha là quốc gia tổ chức ngày “Tết thầy” sớm nhất thế giới, lần đầu tiên vào ngày 18/5/1899.

Như vậy, bất luận quốc gia nào, dân tộc gì, hễ là người học trò được thầy cô dạy dỗ, đào tạo đều thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Xuất phát từ tính thiện lương của con người mà họ chọn một ngày trong năm để làm lễ kỷ niệm, tưởng nhớ đến thầy cô.

Ở ngôi trường Trung học Tư thục Bình Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre) - Nơi đây nổi tiếng có nhiều danh sĩ, chính trị gia từng theo học. Hằng năm, đến ngày mồng 3 Tết Âm lịch, Ban liên lạc Cựu học sinh của Trường tổ chức họp mặt để tưởng nhớ thầy cô theo lệ cổ truyền.

Đồng thời cựu học sinh của trường đến ngày 20/11, hễ đáo lệ là tất cả tề tụ về đây tổ chức ngày “Tết thầy” bằng mâm cơm, hương khói và hoa thơm ngào ngạt. Mặc dù, những người từng đứng bục giảng ở đây hầu hết đã hy sinh, qua đời hay già yếu không đến dự được.

Và ngôi trường ấy chỉ tồn tại trong ba năm: Từ năm 1955 - 1958. Dù họ đã thành danh, thành đạt, thành tài, song bất kỳ họ đang sinh sống ở đâu nhưng khi đến ngày “Tết thầy” đều thường xuyên có mặt để vọng tưởng, ôn lại truyền thống, làm ngời sáng thêm giá trị cao quí về tình thầy trò.

Không những chúng ta tri ân nhà giáo bằng những nghĩa cử nói trên, mà có cả hành vi đầy ý nghĩa khác. Năm 1969, nhiều nhân sĩ, trí thức ở Bến Tre cho xây Miếu Ân sư tiền vãng tại trung tâm của tỉnh (Miếu tọa lạc tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 2, TP Bến Tre).

Qua đó, nhằm hằng ngày những học trò mang lòng hiếu đễ, đến thắp hương, vọng tưởng đến “ân sư” quá cố của mình. Cũng như gián tiếp giáo dục các thế hệ sau, noi gương tốt nhằm phụng sự xã hội. Nối tiếp truyền thống đó, năm 2018, cấp lãnh đạo TP Bến Tre cho trùng tu, tôn tạo ngôi miếu khang trang, thật ý nghĩa.

Thiết nghĩ, trên đây là biểu lộ đạo nghĩa, điển hình về truyền thống, tinh thần “Tôn sư trọng đạo” rất đáng để ngợi khen, phổ biến và nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.