Mục tiêu là số ca khỏi bệnh

GD&TĐ - Bộ Y tế đang thiết lập các trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch do các bệnh viện lớn tuyến Trung ương phụ trách nhưng rõ ràng, việc giảm thiểu đến mức tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ không dễ dàng.

Chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định: Việc điều trị bệnh nhân nặng, tử vong là vấn đề của thành phố.

Trước đó, ngày 27/7, khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất trong phòng chống dịch hiện nay của thành phố là cần giảm tỷ lệ tử vong.

Có nhiều lý do khiến số ca mắc Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh tăng nhanh trong những ngày gần đây, trong đó nguyên nhân quan trọng là bởi tính chất phức tạp của biến chủng Delta với khả năng lây lan nhanh, nhất là khi tiếp xúc gần.

Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là khi chuyển chiến lược sang tập trung cho công tác điều trị, dù thành phố đã tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế để tiến hành điều trị theo mô hình tháp 5 tầng nhưng ở những thời điểm nhất định, vẫn còn tình trạng chưa đáp ứng được kịp thời do hạn chế cơ sở vật chất, nguồn nhân lực...

Để khắc phục những vấn đề này, thành phố đã đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ kết nối liên thông giữa tầng 3 với tầng 4 và tầng 5, kịp thời có chỉ định, biện pháp điều trị.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã có công văn yêu cầu các cơ sở điều trị phải tập trung vào công tác chăm sóc và điều trị, đặc biệt là những ca bệnh có triệu chứng, diễn biến nặng, yếu tố nguy cơ, tỷ lệ tử vong cao.

Mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận, huyện, thành phố. Nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các bệnh viện dã chiến; triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp ca nhiễm tăng cao.

Nâng cao công tác điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm để khớp giữa nhu cầu người dân với hệ thống y tế. Đặc biệt, thành phố sẽ điều phối, sắp xếp lại nguồn nhân lực để phân bố trên các lĩnh vực dự phòng và điều trị một cách hợp lý, bảo đảm vận hành hiệu quả...

Theo số liệu thống kê, đến sáng 2/8, các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 33.474 ca F0, trong đó 1.026 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 người phải can thiệp ECMO.

Bộ Y tế đang thiết lập các trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch do các bệnh viện lớn tuyến Trung ương phụ trách nhưng rõ ràng, việc giảm thiểu đến mức tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ không dễ dàng.

Để thực hiện được, ngoài việc bổ sung nhân lực, trang thiết bị, điều chỉnh quy trình, điều quan trọng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là thành phố cần đặt mục tiêu cụ thể cho từng lớp điều trị, phải quản lý tốt F0 không triệu chứng để giảm tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng.

Phải có sự điều phối nhịp nhàng, thông suốt giữa các tuyến điều trị, các bệnh viện. Đặc biệt là ý thức tự giác chấp hành các quy định, khuyến cáo của người dân, vì sức khỏe của chính mình, của gia đình và của cả cộng đồng.

Với những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, thời gian tới, không chỉ với riêng TP Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh, thành phố khác sẽ còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chức năng, của đội ngũ y, bác sĩ - những người trên tuyến đầu và sự hợp tác của người dân - chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, để hướng đến điều quan trọng là có bao nhiêu ca nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ