Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Serbia Informer TV vào ngày 14/12, Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic, tiết lộ rằng, Mỹ đã chuẩn bị áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty dầu khí chính của nước này - Naftne Industrije Srbije (NIS) - do công ty này thuộc sở hữu của Nga.
Ông Vucic cho biết, Belgrade đã nhận được xác nhận về các kế hoạch này từ Washington, và các biện pháp này có thể có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.
Trong bài phát biểu qua video đăng trên Instagram vào ngày 15/12, nhà lãnh đạo Serbia tái khẳng định có những kế hoạch như vậy, và cho biết, vấn đề này đã được thảo luận với BIA, cơ quan an ninh quốc gia của Serbia.
“Chúng tôi đã thảo luận về những gì chúng tôi đã thu thập được như thông tin chính thức rằng, lệnh trừng phạt sẽ được Mỹ và một số quốc gia khác áp dụng đối với NIS. Chúng tôi đã thảo luận về cách hành động trong tình huống này, cách phản ứng và cách đảm bảo an toàn cho công dân Serbia”, ông Vucic nói, đồng thời cho biết thêm rằng, chính quyền Serbia có kế hoạch “đàm phán với người Mỹ, người Nga và mọi người khác” sớm nhất có thể.
Ông Vucic lưu ý rằng, mục tiêu chính của các cuộc đàm phán sắp tới là đảm bảo an ninh năng lượng cho Serbia.
“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là người dân Serbia, bất chấp những vấn đề lớn mà chúng tôi phải đối mặt, không cảm thấy điều đó trong mức sống, trong công việc kinh doanh hay trong cuộc sống hàng ngày của họ theo bất kỳ cách nào”, Tổng thống Vucic khẳng định.
Chưa có xác nhận chính thức nào từ Washington về lệnh trừng phạt sắp tới.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, ông Vucic cho biết, lệnh trừng phạt đối với NIS có thể là một vấn đề lớn đối với đất nước, có khả năng khiến Serbia không có dầu vào giữa mùa đông.
Ông cho rằng, các hạn chế này có thể là "một phần của áp lực địa chính trị rộng lớn hơn đối với Nga", vì nhiều công ty của nước này đã bị phương Tây trừng phạt kể từ khi xung đột Ukraine leo thang.
Trong khi lập trường chính thức của Serbia về cuộc xung đột là trung lập, quốc gia này vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Moscow, và liên tục từ chối tham gia lệnh trừng phạt chống lại Moscow bất chấp áp lực từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Serbia cũng công khai chỉ trích các quốc gia phương Tây đã cấm năng lượng của Nga như một phần của lệnh trừng phạt, cảnh báo rằng, họ có thể sớm buộc phải "cầu xin" Moscow tiếp tục giao hàng để tồn tại.