Mục tiêu bất biến

GD&TĐ - Hà Nội đã kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021 - 2022 đầy cảm xúc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây có lẽ là năm đầu tiên các sĩ tử của Hà Nội trải qua giai đoạn ôn tập căng thẳng nhất hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến các nhà quản lý giáo dục của Thủ đô đau đầu với phương án thi làm sao vẫn chất lượng, phân loại được thí sinh, nhưng phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Thế là ngày thi được lùi lại; mọi hoạt động học tập, làm hồ sơ, đăng ký dự tuyển, thậm chí học Quy chế thi hầu như thực hiện trực tuyến. Thời gian làm bài rút ngắn; chỉ trong 2 buổi sáng, thí sinh đã hoàn thành xong 4 bài thi để lấy điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập đại trà…

Trong khi sĩ tử dồn sức cho kỳ thi quan trọng, lực lượng làm thi căng mình vì công tác chuyên môn, phòng chống dịch, thì thời tiết lại không chiều lòng người. Rất nhiều điểm thi hứng chịu những cơn mưa lớn đúng thời điểm thí sinh đến trường thi và kết thúc bài thi. Thế nhưng, trong thế “khó chồng khó”, nhiều hành động, hình ảnh đẹp nảy nở, làm nên một kỳ thi với vô vàn cảm xúc.

Đó là hình ảnh màu áo xanh tình nguyện nhường ô che cho thí sinh vào phòng thi giữa cơn mưa như trút; Là những chuyến xe chuyên dụng của cảnh sát giao thông hối hả đưa thí sinh đến đúng điểm thi; Là hàng trăm bộ đồng phục được thầy cô gấp rút chuyển tới điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi để thí sinh kịp thay do mưa ướt, trước khi vào phòng thi. “Đó là phản xạ tự nhiên của người làm giáo dục. Việc làm nhỏ này không thấm tháp gì so với nỗ lực, chăm lo của toàn xã hội và hệ thống chính trị cho các em trong kỳ thi này”, lãnh đạo của cở sở giáo dục hỗ trợ đồng phục cho thí sinh đã chia sẻ như vậy.

Đề thi của Hà Nội năm nay cũng được đánh giá vừa sức; bám sát nội dung chương trình, đáp ứng trình độ đại trà nói chung; phù hợp với tình hình dạy và học trong điều kiện đặc biệt. Tuy vậy, đề cũng vẫn có tính phân loại, thể hiện được khả năng của nhóm học sinh giỏi, đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của các nhóm trường THPT khác nhau.

Thành công bước đầu của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ là kinh nghiệm tốt, thậm chí truyền cảm hứng cho nhiều địa phương vì dịch bệnh mà chưa tổ chức được kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là minh chứng cho thấy luôn có những phương án dù hoàn cảnh có bất lợi, khó khăn đến mức nào. Và nếu phương án thực sự vì cái chung, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho người học chắc chắn sẽ được mọi lực lượng xã hội đồng lòng, ủng hộ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Câu nói đã được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngành Giáo dục cũng vậy. Những sách lược linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo để “ứng vạn biến” với dịch Covid-19, trên mục tiêu “bất biến” là quyền lợi người học.

Một lần nữa, ngành Giáo dục đứng trước những tình huống bất ngờ. Các phương án vượt qua áp lực không chỉ là những thử thách về trí tuệ, cách tổ chức để ngành phải linh hoạt thích ứng, mà còn thử thách tính liêm chính của cả thầy, trò, gia đình, nhà trường và xã hội. Vượt qua thử thách này, bằng cách làm mới, chính là ngành GD&ĐT đã tạo ra một nấc thang mới. Nấc thang đầu tiên trong quá trình học thật - dạy thật - thi thật - nhân tài thật như thông điệp trong ngày đầu tiên nhận chức của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ