Nhìn lại những ngày trước và trong kỳ thi, mỗi hoạt động ở từng điểm thi được lãnh đạo thành phố cập nhật sát sao, chỉ đạo kịp thời. Toàn thành phố, từ cấp chính quyền đến các địa phương đã thực sự kích hoạt nhiều giải pháp và ứng phó linh họat để góp phần làm nên một kỳ thi thành công trọn vẹn.
Linh hoạt ứng phó các tình huống bất ngờ
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 đã kết thúc và được đánh giá là kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, đúng quy chế. Diễn ra trong những ngày Hà Nội và cả nước cùng gắng sức chống lại dịch Covid-19, kỳ thi này đã để lại dấu ấn khó quên đối với không chỉ các thí sinh mà cả hệ thống chính quyền thành phố.
Thực hiện sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy và lãnh đạoTP, các cấp, các ngành đã vào cuộc rất khẩn trương, có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế, từ việc điều chỉnh ngày thi và thời gian làm bài thi, làm thủ tục trực tuyến, đảm bảo kỹ lưỡng các biện pháp phòng dịch, diễn tập tình huống tại tất cả các điểm thi,… đến việc kiểm tra, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo thành phố.
“So với ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có trên 4 nghìn điểm bỏ phiếu, thành phố đã tổ chức rất thành công thì không có lý do gì mà 184 điểm thi của kỳ vào lớp 10 lại không tổ chức thành công. Chúng ta quyết tâm không để sơ xảy đến từng chi tiết, đảm bảo tuyệt đối an toàn kỳ thi” - Từ yêu cầu này của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, toàn bộ lực lượng làm công tác thi ở 30 quận, huyện, ở từng điểm thi đã nỗ lực hết sức, vào cuộc nhanh chóng, bảo đảm những điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, để kỳ thi thành công trọn vẹn.
Điều đặc biệt của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 diễn ra đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát nên kỳ thi cũng xuất hiện nhiều tình huống bất ngờ. Song, thực tế cho thấy, nếu chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo thì dù đối mặt với những khó khăn ra sao, các thí sinh cùng các điểm thi cũng có thể kịp thời ứng phó.
Trong ngày thi đầu, một số thí sinh đến nhầm địa điểm, ngay lập tức đã được các lực lượng hỗ trợ đưa thí sinh về đúng điểm thi. Việc hỗ trợ, chăm sóc các thí sinh còn thể hiện ngay ở những chi tiết nhỏ nhất như: Từng chai nước uống, chiếc khẩu trang, cái bút…
Tại điểm thi THCS Nguyễn Trãi, có thí sinh khuyết tật được các bạn tình nguyện viên hỗ trợ di chuyển và làm các thủ tục vào phòng thi nhanh chóng, khẩn trương.
Sử dụng phòng thi dự phòng cũng là một điều đặc biệt chỉ có ở kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 mới phải chuẩn bị dự phòng những phòng thi dành cho các trường hợp có biểu hiện bất thường khi đến điểm thi.
Ông Bùi Quang Thái - Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ: Công tác chuẩn bị ứng phó với các tình hướng phát sinh thể hiện cụ thể trong nhiều biện pháp xử lý. Nếu thí sinh có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở thì cán bộ y tế sẽ báo cáo điểm trưởng điểm thi để bố trí thí sinh thi riêng tại phòng thi dự phòng, đồng thời, bố trí cán bộ coi thi, giám sát coi thi như tại phòng thi bình thường.
Đồng lòng vượt khó dịch bệnh và thời tiết
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngay chiều 12/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng BCĐ thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2021-2022 đã trực tiếp chủ trì và họp rút kinh nghiệm sau buổi thi đầu tiên.
Đồng thời, trong chiều, tối cùng ngày, UBND TP đã ban hành Văn bản số 1836/UBND-KGVX về việc tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức kỳ thi để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thí sinh.
Thành phố yêu cầu BCĐ thi, tuyển sinh các quận, huyện, thị xã có phương án ứng phó cụ thể với tình hình bất thường của thời tiết trong buổi thi vào sáng 13/6 và các buổi thi tiếp theo. Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ rà soát phương tiện, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống mưa bão có thể xảy ra.
Chính nhờ tinh thần chuẩn bị ứng phó chủ động trong điều kiện mưa to, phát sinh nhiều tình huống gây khó khăn cho thí sinh và phụ huynh, khâu tổ chức kỳ thi đã được chuẩn bị chu đáo. Các bộ phận tham gia công tác làm thi từ vòng trong lẫn vòng ngoài cổng trường đã cùng phối hợp để phân luồng học sinh đi vào trường cũng như phân luồng giao thông để tránh gây ách tắc và đảm bảo phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Đình Hoa - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Trước tình hình thời tiết mưa, bão, rút kinh nghiệm từ buổi thi đầu tiên, BCĐ thi của huyện Chương Mỹ đã lưu ý đặc biệt vào công tác phân luồng giao thông và hỗ trợ thí sinh.
Điểm thi tại trường THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) ở sát mặt đường, để tránh ách tắc giao thông ở cổng trường, ở buổi thi thứ 2, khu vực kiểm soát thí sinh đã được chuyển vào phía trong sân trường, tạo sự thông thoáng.
Nếu ngày thi thứ nhất, trời đã kịp tạnh ráo trước giờ thi thì ở ngày thi thứ 2, mưa lớn và kéo dài gần như cả buổi. Ngay lập tức, nhiều điểm thi đã phối hợp với các trường THCS thông báo đến phụ huynh học sinh để kịp thời mang quần áo cho các em thay.
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), nhiều thí sinh bị ướt toàn bộ quần áo. Điểm thi này đã huy động số đồng phục còn của trường và áo phông của các thầy cô cho thí sinh mặc để đảm bảo sức khỏe. Điểm thi cũng đã kịp thời thông báo đề nghị các giáo viên chủ nhiệm thông tin đến cha mẹ học sinh mang bổ sung quần áo đến cho thí sinh.
Bà Lê Thị Hồng, trưởng điểm thi trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) chia sẻ: “Tôi rất cảm động vì ở kỳ thi đặc biệt này, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và đồng hành để các con học sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe và có một kỳ thi chất lượng”…
Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, kỳ thi đã thành công tốt đẹp, đúng tinh thần chỉ đạo và mục tiêu mà Bí thư Thành ủy Hà Nội:Đinh Tiến Dũng đặt ra: “Bằng mọi biện pháp phải đảm bảo tổ chức thành công trọn vẹn, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi”.
Đề thi vừa sức nhưng vẫn đảm bảo phân loại thí sinh
Sau cả 4 môn thi, theo đánh giá của giáo viên, học sinh và phụ huynh, mức độ đề thi phù hợp với tình hình thực tế học sinh phải ôn tập trực tuyến, giảm độ khó so với đề thi năm trước. Số lượng câu hỏi trong đề thi đều giảm, phù hợp với việc giảm thời gian làm bài.
Về môn Toán, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây, đồng thời các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng đã được giảm nhẹ để phù hợp với thời gian làm bài thực tế từ 120 phút xuống 90 phút và điều kiện ôn tập của thí sinh. Tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn cũng không thay đổi so với mọi năm, vẫn gồm 2 phần: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội, có sự thay đổi thang điểm và số lượng câu hỏi phù hợp với thời gian 90 phút. Đề thi gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ cảm nhận và năng lực của học sinh, các câu hỏi rõ ràng, có sự phân hóa tốt.
Đề thi môn Tiếng Anh năm nay giảm 10 câu so với dự kiến ban đầu nhưng mức độ kiến thức vẫn bám sát chương trình học và đề minh họa của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Đối với môn Lịch sử, đề thi đã giảm số lượng câu hỏi cũng như giảm nhẹ về yêu cầu đánh giá, đề thi vừa sức với các thí sinh, bám sát với chương trình đã học, không có câu hỏi mang tính đánh đố. Kiến thức trong đề thi bao phủ toàn bộ chương trình Lịch sử lớp 9, kiểm tra đúng đơn vị kiến thức, kĩ năng cơ bản trong chương trình. Với đề thi này, học sinh đã nắm chắc kiến thức cơ bản đều có thể làm bài tốt.