Bò nhốt chuồng nhiều chỉ nhai rơm uống nước cầm hơi chứ không no được. Chưa kể chuồng trại chật chội, chúng đứng lên nằm xuống toàn đè lên phân nên rất dơ. Muốn bò no, bò sạch phải siêng lùa đi chăn. Vào năm học thì buổi đến trường, buổi chăn. Hè về thì cả ngày rảnh rỗi, cũng đồng nghĩa với việc lũ “mục đồng” đứa nào cũng cơm ăn, cơm dỡ theo đuôi bò cả ngày…
Chăn bò mùa hạ muốn bò được ăn no phải chịu khó lùa đồng xa - vào núi hoặc qua sông. Ngày hè dài, đường khô ráo, nước sông cạn mới có thể đi xa. Ngày nào cũng đi. Nắng hạ chang chang đổ lửa bưng đầu, cháy xém tay chân. Kệ, ráng tới bãi, thả bò lang thang gặm cỏ xong là… tự do. Nhào vô rừng hoặc các lùm bụi xung quanh trốn nắng. Tìm chỗ trống có bóng mát tha hồ bày trò chơi, đọc sách, hoặc… ngủ luôn cũng chẳng sao!
Có điều rảnh đâu để ngủ, còn phải mọc dậy lo đi tìm, thưởng thức trái cây. Mùa hè là mùa của đủ loại trái cây - trái trồng, trái mọc hoang - tuần tự thay nhau chín rộ. Chim chim, vú dẻ, ổi rừng, sim… cứ lấp ló trong những lùm bụi hoang, chơi trốn tìm cùng lũ nhỏ. Chí chóe săn lùng, giành giật, đôi khi cự cãi tí chút. Không sao, con nít mà, kình xong lại làm hòa nhanh thôi, vậy mới vui!
Bữa nào hết trái cây rừng sẽ có đứa kêu: Xuống trại ông Năm bây ơi! Ấy là hiệu lệnh rủ đi xin… điều. Ông Năm có cái vườn điều bự sư nằm bên chân núi. Mùa hè điều chín rộ, ông cho lũ nhỏ chăn bò tha hồ hái ăn. Ăn trái thôi, còn bỏ hột lại cho ông. “Em” nào ma lanh giấu hột luôn coi chừng bị ông bẻ roi quất đít! Bù lại, thật thà thì ông thương, đôi lúc “khuyến mãi” thêm cho túi khoai lang hoặc mấy cái gương sen ngoài hồ…
*
Nhọc nhằn, “ám ảnh” nhất đời chăn bò ngày nhỏ của tôi chính là những cơn mưa mùa hạ!
Mưa mùa hạ luôn kèm giông tố, sấm sét. Tôi, đứa con gái chết nhát, nghe sấm sét đùng đùng là sợ run. Ở nhà đã sợ nhưng giữa đồng không mông quạnh hoặc bên triền núi lừng lững vươn cao thì nỗi sợ ấy phải đem… nhân 5! Tia chớp rạch sáng lòe, tiếng nổ đùng đinh tai khiến đất dưới chân cũng rung rinh. Lũ bò hớt hải cong đuôi chạy, riêng cô chủ bò chỉ còn đủ sức ngồi thụp xuống ôm đầu chịu trận.
Con Nhi kêu: “Quăng cái nón xuống, không sét đánh chết giờ”! Nghe nó “hù” ghê quá, vậy là lột nón, quăng, mặc kệ cho mưa xối xả tuôn trên đầu ướt nhẹp! Sau này tỉnh hồn, hỏi tại sao không lột nón lại bị… sét đánh? Nhi ta đáp tỉnh bơ: “Trời làm dông, ma quỉ nó sợ, chui trốn dưới nón mũ người (!). “Ông Thiên Lôi” mà phát hiện, nổi sấm sét đánh chúng là mình chết theo lãng xẹt”!
Tôi nghe ớn tận chân tóc, nhất là cái vụ “ma chui đụt ké dưới nón” (ôi cha mẹ ơi!). Sợ tới mức sau này mỗi khi chăn bò ngoài đồng mới nghe trời gầm hù sơ sơ đã lập tức ném nón mũ, kệ cho mưa ướt. Sợ tới mức đã tạnh mưa đi về vẫn cứ xách toòng teng cái nón, quyết không đội lên đầu!
Kí ức “nhớ đời” nhất trong bao pha đối mặt cùng giông tố mùa hè chính là lần tôi lùa bò qua sông lúc trời nổi giông. Tia chớp sáng lòe tưởng chẻ bầu trời thành hai kèm tiếng sét rung rinh khiến tôi kinh hoàng tới mức… ôm đầu hụp luôn xuống nước! Trong trí tưởng của tôi, bầu trời bên trên hẳn đang rã làm đôi, rớt xuống như tòa nhà đổ sập.
Hình dung ra cảnh ấy khiến tôi kinh hoàng co rúm, tính ở luôn dưới… đáy sông nếu không vì ngộp thở quá buộc phải trồi lên. May, ló đầu hé mắt dòm mới hay bầu trời bên trên vẫn… còn nguyên. Hú hồn!
Giờ thì xa lắc rồi, tuổi thơ ơi…