Huyền thoại "Đệ nhất chăn trâu" trên Cánh Đồng Chó Ngáp

Có những lúc, một mình ông Năm Bảo nhận chăn đến 400 - 500 con trâu của các gia đình khắp Bạc Liêu và các vùng lân cận. Số lượng trâu khủng là thế nhưng với trí nhớ tài ba, và sự nhanh nhẹn hơn người, chưa bao giờ ông Năm Bảo để lạc mất trâu, dù chỉ một con.

Huyền thoại "Đệ nhất chăn trâu" trên Cánh Đồng Chó Ngáp

Khi giao trâu cho từng hộ, giữa hàng trăm con trâu mộng, ông bước vào giữa đàn, chẳng mấy chốc ông dắt trâu ra cho mỗi ông, bà chủ của nó trước bao cặp mắt thán phục. Từ đó, người ta bảo nhau rằng, ông Năm “thuộc” hết mặt trâu của từng hộ, đúng là “Đệ nhất chăn trâu”...

Biệt tài của “Đệ nhất chăn trâu” đi vào huyền thoại

Hơn 40 năm trước, tại Bạc Liêu có một vùng đất bị nhiễm mặn rộng mênh mông, dù người dân đã cố cải tạo nhưng đất ở đây vẫn không tài nào trồng trọt được loại cây gì. Chỉ duy nhất một loại cỏ năn kim ưa đất nhiễm mặn là mọc tươi tốt khắp vùng đất này. 

Cỏ năn kim mọc dày thành thảm, cao quá nửa người tạo thành những tấm thảm bất tận. Đó là vùng đất thuộc huyện Hồng Dân (tỉnh Minh Hải cũ, nay tách thành Hồng Dân và Phước Long thuộc tỉnh Bạc Liêu).

“Mùa nắng người mà đi hết cánh đồng cũng phải lè lưỡi chết khát. Đây là vùng hoang sơ, đáng sợ vô cùng. Không có loại cây, con vật nào sống được, chỉ độc loài cỏ năn kim thống trị...”, ông Lê Văn Xua (72 tuổi) ngụ ấp nhà lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân nói.

Người dân ở đây kể, đến mùa nắng cỏ năn chết rạp xuống, người dân đốt đồng cỏ này để lấy tro. Những con chó chạy theo chủ rồi lạc trong đồng, không biết tìm đường ra, chỉ đứng tru, ngáp chờ chết. 

Và sự thực, rất nhiều người dân nơi đây thấy xác những con chó chết khô trên đồng bởi thiên nhiên ở đây vô cùng khắc nghiệt. Vì thế, họ gọi vùng đất bằng phằng chỉ có loại cổ năn kim sống được với cái tên - “Cánh Đồng Chó Ngáp”.

Ngoài nguyên nhân này, ông Xua còn cho biết thêm, cái tên “cho ngáp” như thể hiện sự bất lực của nông dân trước thiên nhiên. Hoàn cảnh khắc nghiệt kéo theo đời sống người dân càng lâm vào cảnh nghèo khổ. 

Những cánh đồng lúa gần đây dù rộng lớn nhưng sản lượng lúa mỗi năm cũng chỉ đủ gạo cho mỗi gia đình ăn. Tất cả chỉ trông chờ vào tôm cá trên các nhánh sông chảy khắp huyện.

“Thời đó, vùng này toàn nhà làm bằng cây, cột được chôn sâu xuống đất. Vài ba năm phải thay cột hoặc làm nhà mới. Còn bây giờ, nơi đây đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu rồi”, ông Xua nói thêm.

Dù vậy, trên Cánh Đồng Chó Ngáp này lại từng tồn tại một nghề rất phát triển và có nhiều gia đình đã sống rất khá giả cũng nhờ nó. Đó là nghề chăn trâu. Loài cỏ năn trên cánh đồng này vốn dĩ không dùng được vào việc gì, ngoại trừ làm được thức ăn cho trâu.

Ông Lê Văn Xua kể về Cánh Đồng Chó Ngáp.

“Với cánh đồng năn thời đó, trâu của cả Bạc Liêu và mấy tỉnh lân cận ăn mấy đời cũng không hết chứ huống hồ gì vài ngàn con... Cũng trên cánh đồng chó ngáp này, chỉ duy nhất một người chăn trâu được “liệt” vào hàng huyền thoại. 

Đó chính là Năm Bảo, ông được người dân gọi là “đệ nhất chăn trâu. Nói thật, thời ông Năm chăn trâu phải tính đến cả trăm, cả ngàn con chứ bỡn đâu. Mấy hộ ở miết xứ khác cũng tin tưởng gửi trâu cho ông ấy nuôi lớn...”, ông Xua kể.

Được ông Xua chỉ dẫn tận tình, chúng tôi tìm đến nhà của ông Phạm Văn Bảo (tức Năm Bảo) ở ấp Nhà Lầu 1 không xa. Con cháu của ông Năm cho biết, vì tuổi già sức yếu nên “đệ nhất chăn trâu” vừa qua đời ở tuổi 84 cách đây không lâu.

Kể về “thời hoàng kim” của gia đình, ông Phạm Văn Lồng (Tư Lồng, 60 tuổi) con trai của ông Năm Bảo bồi hồi nhớ lại. Tư Lồng kể, gia đình mình ngày xưa không có cục đất chọi chim. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào sức của cha mẹ làm thuê quốc mướn.

“Cha tôi vốn có kinh nghiệm nuôi trâu khó ai sánh bằng. Nhiều người trong vùng mua trâu còn nhờ cha tôi xem giúp. Ban đầu cha tôi chỉ nhận chăn trâu trong vùng, khi trả cho chủ con nào con nấy cũng béo tốt, khỏe mạnh. 

Tiếng lành đồn xa, dần dà người ở các xứ khác cũng gửi trâu đến, nhờ cha tôi “vỗ béo”. Cha tôi không phải người duy nhất sống bằng nghề chăn trâu, nhưng ông ấy làm gia đình tôi giàu lên bằng cái nghề này”, ông Lồng kể lại.

Cánh Đồng Chó Ngáp giờ chỉ là ký ức

Theo lời kể của ông Tư Lồng, mỗi năm cha ông nhận từ mỗi gia đình 2, 3 con trâu để chăm sóc. Tính tổng số trâu của những người trong vùng và các huyện lân cận lúc nào ông cũng có trong tay hơn 400 con. Nông dân ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau cũng tin tưởng gửi trâu lên. 

“Con trâu là đầu cơ nghiệp nên người nông dân rất “cưng” trâu, chăm lo từng tý một và không hề tiếc số tiền khá lớn để thuê người về chăm sóc”, ông Lồng cho hay.

Cứ sau ba tháng chăn dắt, trâu được trả cho chủ và Năm Bảo nhận phần công của mình là 10 giạ lúa cho một cặp (mỗi giạ khoảng 20kg). Như vậy, tổng số lúa mà gia đình ông Năm Bảo nhận được mỗi mùa là hơn 2000 giạ lúa từ nghề chăn trâu thuê.

“Khi đó, sản lượng lúa còn thấp, gia đình tôi không có công ruộng nào mà mỗi năm đều dư dả gạo ăn. Thu nhập này tương đương với những nhà có cả trăm công ruộng. Quan chức cấp tỉnh thời đó lương mỗi năm còn chưa đến mức này. Gia đình tôi cũng phất lên từ đó”, Tư Lồng nói rồi cười khà khà.

 

Chân dung ‘Đệ nhất chăn trâu” Năm Bảo.

Tiết lộ bí quyết chăn trâu, Tư Lồng hào sảng cho hay: “Chăn trâu thì có bí quyết gì cơ chứ. Cha tôi nhận trâu rồi phân công cho anh em tôi mỗi người mỗi việc. Anh lớn trong nhà tôi nhận nhiệm vụ cưỡi con trâu đầu đàn. Con trâu này đi đâu thì cả đàn sẽ đi theo đó, lúc đi ăn hay lúc lùa vào chuồng cũng vậy. 

Nhưng cha tôi hay lắm, ông chẳng bao giờ để trâu đi lạc. Nhiều lần, chủ trâu lên bắt trâu bất ngờ, thấy cha tôi lẩn vào giữa đàn mấy phút sau dắt ra cặp trâu giao cho chủ mà người ta trợn mắt nhìn ông, không dám tin vào mắt mình nữa. Quả thực, cha tôi nhớ mặt từng con trâu một”.

Mỗi buổi chiều hàng ngày, hàng trăm con trâu được cha con ông Năm Bảo lùa trên đường làng khiến bà con tấm tắc, khen ngợi không ngớt rằng: “Chỉ mấy cha con thôi mà chăn cả đàn trâu đông như kiến cỏ...”, ông Lồng tự hào nói.

Trong thời kỳ đổi mới, nhà nước đưa cơ giới vào cải tạo vùng đất hoang hóa này. Hàng chục con kênh được máy móc đào xới để đưa nước vào rửa phèn, mặn. Cánh đồng năn chó ngáp mênh mông ngày nào dần được thay bằng những cánh đồng lúa bạt ngàn, những vuông tôm đầy năng suất. Cuộc sống người dân nơi đây đổi thay từng ngày.

Hơn mười năm trước, những nông dân tiên phong đi lên từ những cánh đồng một vụ lúa, một vụ tôm đã xây hàng loạt ngôi nhà lầu khang trang. Xóm nhiều nhà lầu cũng từ đó ra đời, về sau, tên này được đưa vào làm tên ấp là Nhà Lầu 1 và 2 của địa phương. 

Giờ đây, đời sống người dân được nâng cao không ngừng, nhiều gia đình có con em đi học ở các trường cao đẳng, đại học. “Chó ở đây giờ không tru, không ngáp vì bị lạc đường trong rừng cỏ năn kim nữa rồi, ngược lại, con nào cũng mập mạp, sủa sang sảng suốt ngày...”, một người dân cười tươi nói vui.

Khi nghề chăn trâu mai một dần, gia đình ông Năm Bảo dành dụm được ít vốn rồi đem mua ruộng đất. Hiện nay, mỗi người con của ông đều sở hữu vài chục công đất nuôi tôm với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thế nhưng, những ký ức về một thời chăn dắt hàng trăm con trâu trên cánh đồng chó ngáp thì vẫn còn y nguyên trong trí nhớ mỗi người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở khu vực xã Ninh Thạnh Lợi A, mà các xã lân cận và các xã khác thuộc huyện Phước Long (Bạc Liêu) cũng theo đà đó đi lên. Hệ thống kênh rạch được đào đắp liên tục không chỉ cải tạo đất đai mà còn trở thành mạng lưới giao thông quan trọng hỗ trợ kinh tế trong vùng phát triển. Cánh đồng chó ngáp giờ là vựa tôm của cả vùng, nhiều đặc sản khác như ba ba, cua, ếch cũng đang giúp người dân làm giàu.

Chỉ riêng tại ấp Nhà Lầu đã có khoảng 30% số hộ có thu nhập trên 500 triệu đồng một năm. Và khoảng 30 hộ thu nhập vượt 1 tỷ đồng một năm. 

Tuy họ đã trở nên giàu có nhưng trong thâm tâm mỗi người dân nơi đây, hình ảnh Cánh Đồng Chó Ngáp với hàng trăm, ngàn con trâu mộng sớm đi tối về cùng “người điều khiển” - “Đệ nhất chăn trâu” – Năm Bảo vẫn luôn trong ký ức họ, không bao giờ phai nhạt...

Theo tienphong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ