Mùa yêu thương

GD&TĐ - Ngày 8/7, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã kết thúc các môn thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận cao và đánh giá tích cực của xã hội. Công tác coi thi tại tất cả điểm thi bảo đảm khách quan, công bằng, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm trên phạm vi cả nước. Các hành vi vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm tính nghiêm minh.

Một trong những dấu son của kỳ thi năm nay là sự nỗ lực của các địa phương, cộng đồng xã hội nhằm hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Ở hầu hết điểm thi trên khắp mọi miền đất nước dễ dàng bắt gặp nhiều sắc áo cùng chung tay hỗ trợ thí sinh: Sắc trắng của cán bộ y tế, sắc vàng của cảnh sát giao thông, sắc xanh của thanh niên, sinh viên tình nguyện và cả màu áo của các chức sắc, tăng ni, tôn giáo… Tất cả cùng chung tay cổ vũ, động viên và là nguồn động lực vô cùng to lớn cho thí sinh và người nhà vượt qua những khó khăn trong mùa thi.

Không chỉ là những suất học bổng, bữa cơm trưa, chai nước, túi bút… miễn phí, hoạt động hỗ trợ thí sinh ở nhiều nơi còn lay động lòng người bởi những nghĩa cử, câu chuyện hết sức cảm động. Tại xã vùng sâu của H.Lắk (Đắk Lắk) có thí sinh bị hỏng xe đã được chiến sĩ công an kịp thời hỗ trợ đưa đến điểm thi trước giờ “G”.

Ở điểm thi Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên), có người bạn miệt mài tấm lưng đẫm mồ hôi cõng thí sinh khuyết tật đi thi giữa cái nắng hạ oi ả. Ở điểm thi Trường THCS Võ Trường Toàn (Quận 1, TPHCM) luôn rộn tiếng vỗ tay chào đón của đội ngũ tình nguyện viên trước cổng trường mỗi buổi tan thi, xua tan đi bao mệt mỏi của thí sinh… Và còn biết bao, biết bao yêu thương nữa qua những nụ hôn vội vàng hay sự nhẫn nại đợi chờ trong mưa, trong nắng của mẹ cha, anh chị.

Yêu thương đã được đền đáp bằng yêu thương. Mùa thi 2022 cũng ghi nhận biết bao hình ảnh xúc động về sự nỗ lực hết mình của thí sinh, để không bõ công chăm lo của cha mẹ, thầy cô... Có những thí sinh không may mắc Covid-19 trên tay còn dây truyền nước, vẫn quyết tâm đến trường thi làm bài một mình trong điều kiện cách ly. Có những thí sinh bị thương tích ở tay vẫn nỗ lực hoàn thành tốt các môn thi với sự trợ giúp của giám thị viết hộ. Có thí sinh vừa qua cuộc phẫu thuật vẫn sẵn sàng lên xe cứu thương vào trường thi, quyết không bỏ cuộc để chinh phục ước mơ…

Mùa thi đã khép lại, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều bài học lớn về tinh thần nhân văn, trách nhiệm sẻ chia. Sự quan tâm, chăm lo, tình yêu thương của toàn xã hội dành cho thí sinh trong mùa thi không chỉ hỗ trợ các em vững tâm vượt vũ môn mà còn góp phần khơi gợi, giáo dục thêm cho người trẻ về ý thức, trách nhiệm cộng đồng. Hơn thế nữa, đây còn là bằng chứng sinh động về truyền thống hiếu học của dân tộc, về “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.