Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

GD&TĐ - Chiều tối 8/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, chủ trì họp báo
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, chủ trì họp báo

Cho đến thời điểm này, thí sinh đã hoàn thành các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Các buổi thi diễn ra theo đúng kế hoạch và quy định.

Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp với mục tiêu Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đã triển khai 5 đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia kiểm tra, khảo sát công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tại hơn 20 tỉnh. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, công tác chuẩn bị của các địa phương đã nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sắc và bài bản.

Đây là năm thứ ba Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức. Nếu 2 năm trước phải tổ chức thành 2 đợt thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì năm nay Kỳ thi thuận lợi hơn khi tổ chức trong 1 đợt.

Để triển khai Kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Năm nay, Bộ GD&ĐT không ban hành Quy chế thi mới, mà chỉ ban hành hướng dẫn, triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; xây dựng và công bố đề thi tham khảo làm cơ sở cho việc ôn tập của HS, giáo viên. Đề thi tham khảo có sự cân đối, tính toán tới 3 năm học bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai cho thí sinh học lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Đến 28/6/2022 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó TS đăng ký trực tuyến chiếm tỉ lệ 93,12%.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế

Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình GDTX cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ảnh 1

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thế Đại.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Chỉ thị nhấn mạnh nhiệm vụ tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.

Công tác chuẩn bị Kỳ thi tại các địa phương cũng hết sức chặt chẽ, bài bản, khoa học. Tất cả các tỉnh/thành phố đều đã ban hành Chỉ thị về công tác tổ chức thi, đã thành lập các ban chỉ đạo, đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, dự phòng các tình huống có thể xảy ra như thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh...

Tính đến thời điểm này, Thứ trưởng nhận định, việc tổ chức Kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc chặt chẽ, đúng quy chế.

Hiếu Nguyễn

report

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng: Kỳ thi diễn ra gọn nhẹ và thành công

Ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng thông tin, một trong những điểm mới đáng lưu ý nhất của thí sinh trong việc đăng ký dự thi năm nay là việc Bộ GD&ĐT tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022. Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, đảm bảo số liệu thi chính xác.

Ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại buổi họp báo.

Ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại buổi họp báo.

Công tác kiểm tra chuẩn bị thi được các lãnh đạo Bộ GD&ĐT thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 24/6 đến ngày 5/7. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc; thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.

Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định trong tổ chức Kỳ thi, nhất là tạo mọi điều kiện cho các thí sinh tham gia Kỳ thi đạt kết quả.

Cũng theo ông Phong, một trong những điểm nhấn của kỳ thi năm này là, công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi đúng quy định bảo đảm bảo mật, an toàn. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được điều chỉnh do tác động của dịch Covid-19 (năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022) không được đưa vào đề thi năm nay.

Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, bảo đảm bảo mật tuyệt đối. Các sở GDĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các Điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao được quan tâm chỉ đạo và quán triệt đến các Hội đồng thi và các Điểm thi, đến từng cán bộ tham gia công tác thi. Trong đó có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng của Bộ Công an. Các Hội đồng thi đã thực hiện nghiêm theo hướng dẫn thi năm nay trong việc bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh bảo đảm an toàn, cách phòng thi ít nhất 25m.

Có thể nói, Kỳ thi đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra.

Ông Phong cho biết, Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỳ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.

Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Minh Phong

report

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: Độ phân hóa của đề thi là cần thiết để bảo đảm công bằng

Trước câu hỏi của phóng viên về đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết:

Việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm nay. Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi, từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng, vận dụng cao. Ma trận này được thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học. Đề thi được ra cũng cơ bản theo hướng dẫn này, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và không ra vào phần kiến thức đã được tinh giản.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.

Năm nay, việc tổ chức dạy học rất đa dạng trên toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh, nơi dạy trực tuyến trong thời gian dài, nơi có thời gian dạy học trực tiếp nhiều hơn. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, độ phân hóa của đề thi là cần thiết để bảo đảm công bằng cho học sinh, tránh trường hợp có thể có rất nhiều học sinh trình độ khác nhau lại cùng đạt điểm tối đa. Bên cạnh đó, với mức độ đề thi như vậy, kết quả thi cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Về đề thi Ngữ văn, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, việc xác suất đoán đúng tác phẩm dễ hiểu. Nhưng câu hỏi cụ thể đặt ra với tác phẩm ấy mới là quan trọng. Việc này sẽ khác với các thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau này. Bởi với quy định một chương trình, nhiều bộ sách, học sinh học cùng một nội dung kiến thức trong chương trình, nhưng học sách giáo khoa khác nhau với ngữ liệu và tác phẩm khác nhau.

Hiếu Nguyễn

report

Sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án tối ưu

Chia sẻ về một số nội dung mà báo chí quan tâm, ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng trao đổi. Theo Quy chế thi, với những thí sinh đến phòng thi muộn mất 30 phút sau thời gian phát đề sẽ không được dự thi kỳ thi năm nay.

Theo ông Phong, số thí sinh vi phạm Quy chế thi là: 50 thí sinh bị đình chỉ thi; trong đó có những thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Trước đó, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể về Quy chế thi cho cán bộ coi thi và thí sinh. Thậm chí, cán bộ coi thi còn nhắc nhở thí sinh không mang tài liệu vật dụng bị cấm vào phòng thi. Như vậy, những thí sinh vi phạm Quy chế là do cố tình.

Phóng viên đặt câu hỏi với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi họp báo

Phóng viên đặt câu hỏi với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi họp báo

Phóng viên nêu ý kiến, một số địa phương gặp khó khăn khi bố trí khu vực để đồ của thí sinh cách phòng thi 25m. Về vấn đề này, ông Phong trao đổi, rút kinh nghiệm từ những năm trước và tham khảo ý kiến của Bộ Công an, khoảng cách này có thể khắc phục việc thí sinh gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Thời gian tới, Bộ sẽ tham khảo Bộ Công an, đồng thời nghiên cứu để có phương án tối ưu.

Trước ý kiến có nên trả kỳ thi về cho địa phương, ông Phong thông tin, Bộ đã có phương án tổ chức kỳ thi cho những năm tới, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Minh Phong

report

Bảo đảm thực hiện tốt khâu chấm thi

Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo

Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo

Trả lời câu hỏi về công tác chấm thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết: Hiện Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã hoàn thành xong các khâu quan trọng là công tác chuẩn bị, ra đề thi, coi thi và sắp tới là khâu chấm thi.

Việc chấm thi năm nay cơ bản được thực hiện như năm 2021, theo đúng Quy chế thi. Trong khâu làm phách với bài thi tự luận, địa phương được quyết định phương án làm 1 vòng hay 2 vòng, nhưng đều phải quán triệt thực hiện theo quy định. Nếu như năm trước, điện thoại cố định vòng ngoài chỉ cần có loa ngoài, thì năm nay yêu cầu phải có chức năng ghi âm và có loa ngoài do công an kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày để liên lạc với Hội đồng thi/Ban Chỉ đạo thi các cấp, mọi liên lạc qua điện thoại đều phải ghi âm, bật loa ngoài, ghi biên bản có chữ ký của các thành phần liên quan.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, một trong những công việc trong thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2022.

Hiếu Nguyễn

report

Công tác tổ chức, coi thi thành công, nhận được sự đồng thuận của xã hội

Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Kỳ thi năm nay diễn ra thuận lợi khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thời tiết mát mẻ.

Thứ trưởng cũng chia sẻ với thí sinh năm nay khi mà các em phải học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT quyết tâm đặt mục tiêu: an toàn và chất lượng. Để đạt được mục tiêu này, Bộ đã làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên dạy học trực tuyến. Do đó, việc dạy - học online đã được đảm bảo.

Theo Thứ trưởng, bước đầu công tác tổ chức, coi thi đạt hiệu quả, tạo ấn tượng tốt đẹp với phụ huynh, thí sinh và sự đồng thuận của xã hội.

Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi. Có thể nói, kỳ thi đã đáp ứng được mục tiêu: an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng Quy chế. Trong những ngày thi, thí sinh được hỗ trợ tối đa. Các địa phương quan tâm, chăm lo đến thí sinh, không để em nào bị bỏ lại phía sau.

Nhân đây, Thứ trưởng ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong công tác tổ chức, nhất là khâu lựa chọn nhân sự tham gia làm nhiệm vụ kỳ thi. Điều này cho thấy, việc lựa chọn nhân sự đã đúng người, đúng việc. Các cán bộ làm thi đều nhận thức được trách nhiệm của mình và coi đây là niềm vinh dự và tự hào. Kết quả, không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi.

Thứ trưởng gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã chung tay vào cuộc, góp phần vào thành công của Kỳ thi.

Minh Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.