Mùa tri ân đặc biệt

GD&TĐ - Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước.

Từ đó đến nay, 20/11 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người; ngày hội  toàn dân tôn vinh nghề dạy học, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, phát huy và gìn giữ nét đẹp truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.

Năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi học sinh vẫn chưa thể đến trường học trực tiếp. Thế nhưng, thầy và trò cả nước vẫn linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động chào mừng theo hướng ý nghĩa, an toàn,  bảo đảm thực hiện nghiêm phòng chống dịch. Tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, nhà trường phối hợp với công đoàn cơ sở lựa chọn hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam phù hợp, thiết thực, hiệu quả như tọa đàm; giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; hoạt động chào mừng gắn với kỷ niệm ngày thành lập trường…

Ở những địa phương dịch bệnh còn nặng nề, đang dạy -  học trực tuyến, hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam không thể diễn ra trực tiếp, học sinh không thể tận tay trao hoa, quà cho thầy cô và nói lời cảm ơn. Dù thế, các hoạt động tri ân vẫn diễn ra sôi động, hào hứng, thậm chí  còn phong phú, sáng tạo hơn mọi năm bởi ứng dụng các nền tảng công nghệ số.

Tại Cần Thơ, Lễ vinh danh và kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11  được tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tiếp và trực tuyến trang trọng và rộn ràng với 9 điểm cầu tại các quận, huyện. Ở Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, cả ba hoạt động nổi bật là hội thi vẽ tranh, cuộc thi “Khoảnh khắc tri ân” và “Tìm hiểu lịch sử, ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam” cũng đều diễn ra dưới hình thức online. Đoàn trường đã nhận được nhiều bài dự thi của các cá nhân, tập thể, trong đó có nhiều tác phẩm ý nghĩa, gây xúc động.

Tại Hà Nội, Trường THCS Nghĩa Tân (quận cầu Giấy) cũng phát động phong trào thi đua trực tuyến cho cả thầy cô và học sinh. Thầy cô thi thiết kế những sản phẩm sáng tạo, tâm huyết gồm: Bài giảng E-learning, Video bài giảng, mỗi sản phẩm kèm theo kế hoạch bài dạy (giáo án). Học sinh cũng có nhiều hoạt động vui nhộn, thú vị, khơi gợi nhiều cảm xúc như làm video “Nét đẹp thầy trò”; Viết về thầy cô - mái trường và thi văn nghệ “Tài năng Nghĩa Tân”…

Khối trường ĐH, CĐ, dù sinh viên vẫn học online  nhưng những cuộc thi sáng tác (thơ, viết ngắn, vẽ tranh, làm thiệp) với chủ đề Ngàn lời tri ân, thi hát karaoke chào mừng ngày Nhà giáo, thi viết, làm phim về thầy cô… vẫn thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia, đong đầy cảm xúc. Lễ tri ân trực tuyến cũng được các trường phát trên hệ thống Zoom và fanpage Facebook trang trọng, thầy trò cùng ôn lại truyền thống, động viên, chia sẻ, giao lưu…

Song song với việc linh hoạt tổ chức các hoạt động chào mừng theo hướng an toàn, ý nghĩa, ở nhiều trường học, cựu học sinh - sinh viên, các doanh nghiệp… còn bày tỏ lời tri ân chân thành, sâu sắc thông qua các hoạt động ủng hộ tiền, hiện vật cho thầy cô có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vật tư y tế để các trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, tặng học bổng tiếp sức đàn em đến lớp.

Covid có thể ngăn những cuộc tiếp xúc, vòng tay ôm của thầy trò khi gặp lại nhau, nhưng mùa tri ân vẫn không vì thế mà bớt đi cảm xúc. Không phải là hoa, quà, mà có khi chỉ một tin nhắn thăm hỏi, chúc mừng thầy cô qua màn hình cũng đủ làm rưng rưng lòng người gieo chữ… Đối với nhà giáo, tình cảm chân thành của bao thế hệ học trò sẽ mãi là nguồn động lực để người thầy tiếp tục nuôi lửa nghề và dốc hết tâm - trí - lực cho sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ