Mối tình quê trong vườn thơ Tế Hanh

GD&TĐ - Nhắc đến Tế Hanh là nhắc đến một nhà thơ luôn nặng lòng với quê hương. Với tình yêu tha thiết nơi mình đã sinh ra và lớn lên, quê hương là đề tài chủ đạo trong phần lớn các sáng tác của ông.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Và, “Quê hương” là một trong những bài thơ tiêu biểu thuộc chủ đề này.

Bài thơ không dài lắm nhưng đã tái hiện được vẻ đẹp và sức sống của một làng quê ven biển cùng với nỗi nhớ thương da diết của một người con xa quê:

Làng tôi vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Hai câu thơ mở đầu thật tự nhiên, giới thiệu về một miền quê hồn hậu, yên bình. Thêm vào đó, dưới nhan đề bài thơ, nhà thơ còn trích dẫn câu thơ của bậc sinh thành “Chim bay dọc biển đem tin cá”.

Phải chăng, đó như lời nhắn nhủ của người con xa xứ như cánh chim trời gửi về quê hương! Miền quê thân thương ấy, trong kí ức của nhà thơ thật đẹp, thật gần gũi! Đặc biệt là khung cảnh trên bến thuyền trước giờ ra khơi:

Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Với “trời trong, gió nhẹ”, hứa hẹn một chuyến đi thật thuận buồm xuôi gió. Những chàng trai trẻ trung, khỏe mạnh là biểu tượng cho vẻ đẹp, là sức trẻ, sức sống mạnh mẽ của những người lao động miền biển. Họ không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng vượt mọi sóng gió để ngày đêm bám biển.

Đẹp nhất ở đây có lẽ là hình ảnh những “chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”. Sự so sánh độc đáo, cùng với động từ “phăng mái chèo”, “vượt trường giang” cho thấy vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của những con tàu vượt sóng ra khơi.

Như vậy, có thể thấy nổi bật lên ở đoạn thơ này không chỉ là nỗi nhớ, mà còn là tình yêu, niềm tự hào của tác giả về quê hương yêu dấu. Dẫu chỉ là một làng biển mặn mòi, không có cái ồn ào như nơi đô thị nhưng với tác giả thì đó vẫn mãi là nơi đẹp nhất, nơi thiêng liêng để hướng về. Như ai đó từng nói:

Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp

Quê nhà một dải, nhớ mênh mông

Lại nói về vẻ đẹp của làng biển trong hình ảnh những con thuyền đánh cá. Tác giả như cảm nhận rõ tất cả những gì đẹp đẽ, tinh túy nhất qua cánh buồm nâu:

Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

Tự hào lắm, sức sống của một miền quê. Có thể phải hứng chịu bão bùng, sóng gió nhưng miền quê ấy vẫn kiên cường, mạnh mẽ, những cánh buồm vẫn không ngần ngại “rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.

Và trong cái hình ảnh “mảnh hồn làng” ấy không chỉ là sức sống, mà còn là nền văn hóa, là kết tinh sức mạnh tinh thần của biết bao thế hệ người dân vùng biển, trong đó có nhà thơ Tế Hanh. Cuộc sống của người dân nơi đây bao đời vẫn vậy, yên bình, giản dị, mộc mạc, hồn hậu và rất đỗi thân thương:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ thời tiết thuận hòa, những con thuyền cập bến bình an, đem về những sản vật của biển khơi, mang theo cả vị mặn mòi của năm tháng. Cuộc sống giản dị vậy thôi, mà thi vị vô cùng. Biển là máu thịt, là phần không thể thiếu của dải đất hình chữ S.

Và đáng quý biết bao là những con người làng biển, những con tàu vẫn vươn khơi như những cột mốc sống đánh dấu chủ quyền biển đảo quê hương. Vẻ đẹp của cuộc sống lao động, con người lao động được miêu tả hết sức tinh tế:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ

Cái “vị xa xăm” và cái “chất muối” mặn nồng của biển, nó là hơi thở, là sức sống, là tình yêu muôn thuở của người dân nơi đây. Đó cũng là những gì thân thương, gần gũi mà mỗi người đi xa quê hương đều phải nhớ. Với Tế Hanh cũng vậy, xa quê mà nhớ da diết, khắc khoải, nao lòng:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi

Nhớ, thương, mà xa cách biền biệt. Trong chiến tranh, khi “xa nhà đi kháng chiến”, khi “sống giữa lòng miền Bắc”, tác giả vẫn đau đáu nhớ về quê hương với tất cả trái tim thương yêu: “Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc/Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng miền Nam…”.

Đó cũng là niềm mong mỏi, khát khao cho Bắc Nam thống nhất, toàn dân sum họp một nhà. Để nhà thơ lại được trở về với quê hương yêu dấu. Còn giờ đây, quê hương trong nỗi nhớ của Tế Hanh là “màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi”, là “thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi”.

Tất cả như dòng kí ức hằn in, chẳng thể nào phai trong lòng tác giả. Để rồi, ông phải thốt lên: “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”. Đó là vị mặn nồng đặc trưng của biển, vị của quê hương thấm vào trong nỗi nhớ, trong thẳm sâu tâm tưởng của nhà thơ.

Bài thơ đã thành công khi thể hiện được tình yêu quê hương tha thiết của nhà thơ. Hình ảnh thơ giản dị mà ý nghĩa, giàu sức gợi như vẽ nên bức tranh về một làng quê tuyệt đẹp có sông và có biển.

Chợt nhớ những dòng thơ rất đỗi thân thuộc cũng viết về quê hương của tác giả Đỗ Trung Quân: Quê hương là gì hở mẹ/Mà cô giáo dạy phải yêu?/Quê hương là gì hở mẹ/Ai đi xa cũng nhớ nhiều…?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...
Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.