Bông hoa thu trong vườn thơ Hoàng Nhuận Cầm

GD&TĐ - Mọi tình cảm riêng tư, bao giờ cũng có nguồn gốc sâu xa của nó. Cho nên có khi cùng một đối tượng cảm xúc, với người này thì yêu đến đắm say, nhưng với người khác thì lại thờ ơ, hờ hững.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bài thơ “Mùa thu tôi yêu”, sáng tác năm 1971, in trong tập “Thơ tuổi hai mươi” chung với tác giả Vũ Đình Văn do NXB QĐND Hà Nội ấn hành năm 1974, coi như một lời giải thích: Vì sao mà mình lại yêu mùa thu.

Mùa thu, cũng là mùa của thơ ca, họa nhạc… Với bầu trời mang hồn của những màu xanh ngưng lắng lại, đến xanh trong, xanh ngắt, thả mình vào những dòng sông, mặt nước xanh lơ, rồi ở đâu đó, thấp thoáng bóng hoa cúc vàng như những giọt nắng của mùa hè còn đọng lại, thả vào những đêm thu yên tĩnh vài tiếng hạc kêu sương…

Hoặc một “ánh trăng loe”, lấp lánh trên mặt hồ nước đầy ở đâu đó… đã làm động lòng thu, nhất là những tao nhân mặc khách. Cho nên cũng rất dễ hiểu vì sao dòng thơ mùa thu lại nhiều và hay hơn thơ mùa xuân, mùa hạ, mùa đông, trong đề tài thơ Tứ thời.

Nếu như tình thu của Xuân Diệu rung động bởi một dáng liễu đìu hiu đứng bên hồ, hoặc một: “Cành biếc run run chân ý nhị”, thì Thế Lữ lại rung động bởi một dáng “Nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”, giữa rừng thu…

Với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, tình yêu mùa thu của anh, đến sớm hơn trong cuộc đời khi đã lớn. Nó được khơi dậy, không bắt đầu từ cảnh sắc mùa thu mơ mộng mà lại từ lời ru của mẹ, thuở ấu thơ:

“Từ trong lấm láp bàn tay

Mẹ ru tôi ngủ giấc ngày còn thơ”.

Những câu tục ngữ, ca dao, dân ca, ngọt lịm tình đời: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ cả năm…” đã theo ngọn gió mùa thu se se lạnh, đi vào lời ru của mẹ, chắp cho con đôi cánh mộng xanh trời. Cho nên tác giả đã khẳng định:

“Từ trong tục ngữ ca dao

Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu”.

Cũng như hầu hết những trẻ em Việt Nam, đều lớn lên trong tiếng ru Kiều:

“À ơi!

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...”.

Đây là dòng sữa ngọt tinh thần mà mỗi trẻ đều có một cách hấp thụ riêng. Có trẻ hấp thụ về cách sống làm người, có trẻ lại cảm nhận được nỗi đau của kiếp phù sinh… nhưng với Hoàng Nhuận Cầm lại là những trăn trở về nỗi niềm của Thúy Kiều trong cảnh thu:

“Từ trong tiếng khóc cô Kiều

Ba thu dọn lại… bao nhiêu tháng ngày”.

Cũng có khi tình yêu mùa thu lại từ cái hồn thu trong những câu thơ tả cảnh, của ai đó:

“Tháng Bảy lác đác cành ngô

Tiếng chày ai nện đêm thu ghẹo người”.

Mạch nguồn tình yêu thu, không chỉ được khơi dậy từ những giá trị tinh thần, mà còn bắt nguồn từ tình yêu thương và lòng biết ơn của đứa con đối với người mẹ suốt đời lam lũ:

“Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi

Chày mùa thu gõ mãi lời nước non”.

Cũng là tiếng chày vang vọng trong đêm thu, nhưng tiếng chày trong câu Đường thi trên kia, thường là tiếng chày đập vải, giặt quần áo trên bến sông. Còn tiếng chày trong câu thơ này, lại là chày của những người mẹ, người chị, “mòn chân bên cối gạo canh khuya” nhằm nuôi lớn những tâm hồn thơ trẻ.

Tiếng chày ở đây không phải là từ tượng thanh, mà là lời gợi kể, mang tính suy tưởng, hàm xúc và đa nghĩa. Đây là thanh âm quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của thôn dã, mang hồn dân tộc Việt. Cho nên từ trong âm hưởng của tiếng chày đêm thu ấy, tác giả như nghe được cả âm hưởng của non nước quê hương vọng về.

Tình yêu mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm, cứ dấy lên và nối dài theo thời gian năm tháng của đời con người, gắn với những sinh hoạt xã hội:

“Từ thu có ông trăng tròn

Từ thu trong quả bưởi thơm ngọt ngào

Từ thu rước đèn ông sao

Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu”.

Chữ “từ” được lặp đi lặp lại như một điểm nhấn, có tác dụng khẳng định sự khởi đầu của tình yêu mùa thu. Rồi tiếp theo là mùa thu cầm tay bạn đến trường:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Mùa thu ấy bạn cầm tay

Cùng tôi đi hết những ngày còn thơ

Mùa thu ấy thực hay mơ

Bi bô tôi học bên bờ tre xanh

Đứng cạnh tôi, mẹ và anh

Lũy tre đã hóa trường thành quanh tôi.

Trong tình yêu mùa thu ấy, có cả niềm vui của mẹ và anh, đứng xem con, em học những trang đầu tiên bước vào đời. Tình yêu mùa thu cũng đến từ những bức thư Trung thu của Bác Hồ, gửi thiếu niên, nhi đồng:

“Nẻo đường du kích gần thôi

Bác thương tôi lắm gửi lời nhớ nhung:

Thư này Bác gửi thư chung

Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa

Thu này hơn hẳn thu qua

Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần…”.

(Thư Trung thu, 1953).

Tình cảm của Bác với các cháu thiếu niên, nhi đồng, đã như một ngọn gió mát tình thương, làm rung động thế giới tâm hồn thơ trẻ:

“Mùa thu ríu cả bàn chân

Bác ơi cháu thấy trong lòng nao nao

Từ trong kháng chiến gian lao

Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu”.

Lớn lên, sự cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, đã tô đậm thêm tình yêu thu của Hoàng Nhuận Cầm:

“Trong màu xanh, tiếng chim kêu

Đây hoa lá của bao nhiêu ruộng đồng

Đây con cá của dòng sông

Đây mùa thu trái ước mong chín già

Từ trong mưa nắng đời ta

Mùa vui lại tỏa hương hoa cuộc đời…”.

Bài thơ khép lại với kết cấu đầu cuối tương ứng, bằng ý của hai câu thơ mở đầu:

“Mùa thu tục ngữ ca dao

Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu”.

Cách kết thúc này làm cho tính chính luận trở nên đậm nét hơn. Tuy nhiên, nó đã không làm mất đi cái chất trữ tình của bài thơ. Đây cũng là một nét riêng của thơ Hoàng Nhuận Cầm khi viết về mùa thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.