Dịch bệnh diễn biến phức tạp với hàng trăm ca bệnh mỗi ngày, việc tổ chức kỳ thi quy mô quốc gia là bài toán cân não với những người chịu trách nhiệm. Ở bối cảnh cụ thể của năm nay, chất lượng giáo dục, quyền lợi thí sinh, an toàn sức khỏe là những yêu cầu lớn, khó, nhưng buộc phải bảo đảm trong kỳ thi này.
Trước hết, nói về những dấu ấn khá quen thuộc khi kết thúc đợt 1. Đó là chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Bộ GD&ĐT; sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước; sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Y tế. Bên cạnh đó là tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng. Tất cả hội đồng thi đều nỗ lực cao nhất, hỗ trợ tối đa cho thí sinh.
Các địa phương, nhất là nơi có huyện, xã miền núi, hải đảo luôn quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi… Nói quen thuộc, vì đây là tinh thần đã được phát huy qua nhiều năm tổ chức thi, và ngày càng hiệu quả, rõ nét.
Bên cạnh đó, năm nay cũng có những dấu ấn, cảm xúc vô cùng đặc biệt. Chúng ta đã trải qua kỳ thi có dịch bệnh năm trước. Nhưng kỳ thi 2021 diễn ra khi số lượng ca nhiễm và mức độ phức tạp của bệnh dịch tăng lên rất nhiều. Công tác phòng dịch căng thẳng hơn; trường thi cũng có nhiều hơn những bóng áo trắng của ngành y.
Dư luận ngóng chờ từng thông tin về trường thi, không phải để xem có sai sót gì, mà là dịch bệnh ảnh hưởng đến kỳ thi như thế nào. Một số thí sinh phải dừng thi vì lý do sức khỏe, đặc biệt là trường hợp thí sinh dương tính tại TP Hồ Chí Minh không khỏi khiến chúng ta lo lắng… Có lẽ, thật khó có thể đòi hỏi mọi thứ tròn trịa, hoàn hảo, đặc biệt trong bối cảnh “thời chiến” với bệnh dịch. Nhưng có thể nói, chúng ta đã nỗ lực cao nhất để tổ chức một kỳ thi mà quyền lợi của thí sinh luôn được đặt lên hàng đầu.
Kỳ thi chưa kết thúc, vì còn một bộ phận học sinh do ảnh hưởng của Covid-19 phải lùi lại đến đợt 2. Các thầy cô, nhà trường vẫn đồng hành không ngừng nghỉ cùng học trò của mình trong chặng đường phổ thông cuối cùng. Bộ GD&ĐT, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đợt thi thứ 2 như đợt 1. Các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh phương thức, thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh nhằm bảo đảm quyền lợi thí sinh dự thi ở đợt thi khác nhau…
Mong rằng, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo UBND cấp tỉnh, bộ ngành liên quan bảo đảm ngân sách và nguồn lực dự phòng để tổ chức đợt thi tới đạt mục tiêu kép: Vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Với sự chủ động của Bộ GD&ĐT, các địa phương và kế thừa kinh nghiệm của năm 2020, tin tưởng kỳ thi sẽ được tổ chức đáp ứng các yêu cầu trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.