Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to, nước lũ dâng cao, đã gây thiệt hại về người và nhiều tài sản của người dân địa phương.
Ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi
Do mưa lớn kéo dài, lũ sông Bưởi dâng cao, khiến khu vực dọc bờ tả con sông này (đoạn qua thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài khoảng hơn 1,4km.
Theo báo cáo của ngành chức năng, vị trí sạt lở từ K34+450 đến K35+850 là đoạn cong của sông Bưởi. Khi mùa mưa bão đến, dòng nước chảy xiết, xoáy vào bờ khiến điểm sạt lở ngày càng khoét sâu vào bờ sông.
Nhiều vị trí sạt lở tiếp giáp với nền, móng của các công trình quan trọng, như: Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà văn hóa xã, đường điện 110 KV, tỉnh lộ 523, có vị trí mép sạt chỉ còn cách móng nhà dân 1 - 2m, cách đường tỉnh lộ 523 từ 4 - 6m.
Trước diễn biến sạt lở vẫn có chiều hướng phức tạp, khó lường, ngày 27/9, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực (Thạch Thành).
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Thạch Thành, các sở, ngành liên quan cần áp dụng ngay một số biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản. Yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở, báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Khẩn trương xây dựng, phê duyệt, triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”. Sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng, mất an toàn khi có tình huống xảy ra, thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở.
Mưa lớn những ngày qua đã làm xuất hiện thêm một số vết nứt dọc bờ sông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với tỉnh lộ 523, cơ sở hạ tầng thuộc khu trung tâm hành chính của xã Thành Trực. Nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân thuộc thôn Vọng Thủy đang sinh sống dọc tuyến đường cùng nhiều hộ dân khu vực lân cận của xã Thành Trực.
Theo thống kê sơ bộ cho thấy, nhiều tuyến đường tại Thanh Hóa bị sạt taluy dương, xói lở lề đường: Quốc lộ 15C; Quốc lộ 217; Quốc lộ 217B và hàng chục điểm ở một số tuyến tỉnh lộ 520B, 523B và 516.
Mưa lớn cũng đã gây ngập lụt cục bộ một số diện tích cây trồng. Trong đó, diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây khoảng 891,6ha, ở các huyện: Thạch Thành, Vĩnh Lộc; Ngọc Lặc, Như Thanh, Cẩm Thủy, Hà Trung... Tổng diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập khoảng 520,69ha. Ngoài ra, có hơn 17ha diện tích ao nuôi trồng thủy sản bị ngập... Hiện, tỉnh Thanh Hóa chưa thống kê được cụ thể số thiệt hại do đợt thiên tai gây ra.
Lãnh đạo huyện Mường Lát (Thanh Hóa) kiểm tra tình hình thiệt hại sau mưa lũ. Ảnh: Thế Lượng |
Đã có người chết, mất tích vì mưa lũ
Tình hình mưa lũ những ngày qua ở Thanh Hóa cũng đã khiến ít nhất 2 người chết và mất tích. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại khá nặng nề về tài sản của Nhà nước và người dân.
Theo báo cáo của UBND huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), khoảng 12 giờ 45 phút ngày 27/9, ông Lộc Văn Vương (SN 1979) và vợ là Lò Thị Thắng (SN 1978), trú bản Lầu, xã Sơn Hà, trên đường đi làm ruộng về đã dùng cây luồng làm phao để qua suối Chăng thuộc bản Lầu, xã Sơn Hà.
Trong lúc qua suối, do nước lũ dâng chảy xiết đã cuốn trôi cả hai vợ chồng khoảng 40m. Do vướng vào đá cả hai người bị văng khỏi cây luồng, ông Vương bơi được vào bờ, còn bà Thắng bị nước lũ cuốn trôi.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền huyện Quan Sơn chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương, gia đình tổ chức tìm kiếm bà Lò Thị Thắng. Tuy nhiên, đến sáng 28/9, tung tích của bà Thắng vẫn chưa được tìm thấy.
Tại huyện Như Xuân, tình hình mưa lũ cũng đã gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và người dân. Theo thông tin từ UBND xã Bình Lương (Như Xuân), trên địa bàn xã này có một trường hợp là ông Cao Ngọc Trường, trú ở thôn Quang Trung bị lũ cuốn trôi trong lúc vượt suối, mất tích.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Như Xuân, tính đến sáng 28/9, mưa lũ đã gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và người dân, ước khoảng gần 700 triệu đồng.
Trong khi đó, tại Nghệ An, từ ngày 25 đến 27/9, trên địa bàn tỉnh này có mưa to, có nơi mưa rất to. Một số địa phương đo được lượng mưa cao, như: Quỳ Châu 405 mm; Đô Lương 352 mm; Thanh Chương 333 mm; Anh Sơn 317 mm...
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh này, mưa lũ đã làm 1.600 căn nhà bị ngập. Trong đó, huyện Quỳ Châu ngập 1.080 ngôi nhà, Quế Phong 215, Quỳ Hợp 185... Có 830 nhà dân bị cô lập, nhiều nhất ở huyện Quỳ Hợp, với 685 nhà và huyện Kỳ Sơn 145 nhà.
Lũ sông Bưởi, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) dâng cao. Ảnh: Thế Lượng |
Dọc Quốc lộ 48 qua địa bàn Quỳ Châu có nhiều điểm bị sạt lở. Chính quyền địa phương đang khắc phục tạm thời để lưu thông. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở, gây ách tắc vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, nước lũ còn tàn phá tan hoang nhiều cánh đồng lúa, hoa màu đến kỳ thu hoạch gây thiệt hại nặng nề.
Theo thống kê, có hơn 1.500 ha lúa, hơn 3.000 ha hoa màu, 1.100 ha cây ăn quả bị thiệt hại; hàng nghìn con gia cầm và hàng chục con gia súc bị chết, cuốn trôi; hơn 660 ha diện tích ao hồ nuôi thủy sản bị ngập...
Một đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Nguyễn Văn Đệ dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình ngập lụt và chỉ đạo các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Quỳ Châu.
Đoàn công tác đến kiểm tra tình hình ngập lụt tại khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, có 60 hộ dân bị ngập, trong đó có hộ ngập sâu 4m. Toàn thị trấn Tân Lạc có khoảng 200 hộ dân bị ngập.
Để di chuyển tại các khối trên địa bàn phường phải dùng thuyền, ca nô, các phương tiện không thể qua lại khu vực nội thị.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chính quyền thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳnh Lưu) huy động các lực lượng, phương tiện hỗ trợ các hộ gia đình bị ngập lụt, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại cụ thể để báo cáo có biện pháp khắc phục.
Trước diễn biến phức tạp của đợt mưa lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 3 đoàn công tác do các ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai.