(GD&TĐ) - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cho biết, trong mùa lễ hội 2013, lãnh đạo Bộ chỉ đạo kiên quyết thực hiện giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội để thực hành tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và từng địa phương; sắp xếp hợp lý hòm công đức, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm kịp thời các hiện tượng tiêu cực để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng…
Tại Hội nghị trực tuyến ba miền tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 do Bộ chủ trì tổ chức, diễn ra ngày 18/1, ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, thừa nhận nhiều hiện tượng làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội vẫn đang tồn tại như tệ nạn đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan... Cá biệt, có những hiện tượng gây bất bình trong dư luận cần phải phê phán như diễn viên vừa hát quan họ vừa ngả nón xin tiền tại hội Lim.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết thiện nay một số bất cập trong quản lý, tổ chức lễ hội như việc đốt vàng mã, ném tiền giọt dầu, việc xây dựng bia ghi tên công đức tại một số di tích tạo phản cảm… vẫn chưa có chế tài phù hợp để xử lý.Tình trạng khấn thuê, bói toán xảy ra ở nhiều nơi như đền Đồng Bằng, đền Tiên La (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Cuông, đền Cờn (Nghệ An), chùa Bồ Đà, chùa Thổ Hà (Bắc Giang), đền Mẫu, đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)…
“ Nghẹt thở” chen chân xin lộc khai ấn Đền Trần |
Để khắc phục thực trạng này, trong mùa lễ hội 2013, lãnh đạo Bộ chỉ đạo kiên quyết thực hiện giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội để thực hành tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và từng địa phương; sắp xếp hợp lý hòm công đức, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm kịp thời các hiện tượng tiêu cực để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng…
Năm nay, ấn đền Trần vẫn được in bằng giấy thường để giảm chi phí và số lượng in tăng lên, đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số nghi lễ xưa kia như lễ rước cá gắn với dân chài diễn ra vào ngày 16/1 âm lịch sẽ được đề xuất khôi phục và tổ chức bên cạnh lễ khai ấn. Việc kinh doanh của các hộ dân cũng sẽ được kiến nghị đẩy lùi xa trung tâm lễ hội, quy hoạch lại, đưa vào những khu vực nhất định.
Ngoài lễ hội đền Trần, năm 2013 cả nước có gần 8.000 lễ hội. Cục Di sản văn hóa cho biết, sẽ giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội để thực hành tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và từng địa phương. Các lễ hội có quy mô lớn, mang tính sự kiện, lễ hội ngành nghề tổ chức 5 năm một lần theo phương thức xã hội hóa. Các nghi lễ lịch sử cách mạng tổ chức theo định kỳ các ngày lễ lớn với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm.
"Các địa phương cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với nhu cầu du khách. Hòm công đức, lư hương phải được sắp xếp hợp lý, hạn chế hoặc không đốt vàng mã. Nội dung và chương trình nghệ thuật được nâng lên", lãnh đạo Cục Di sản nói.
Đặc biệt, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở chỉ rõ công tác quản lý tài chính và nguồn thu từ lễ hội cũng như hoạt động tại di tích của một số địa phương còn buông lỏng, tạo điều kiện thu lời cho một số cá nhân, chưa khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích tương ứng với nguồn công đức của nhân dân…
Hải Hà