Chuẩn bị cho năm học mới
Sau kết thúc học kỳ II, hoàn thành công tác sổ sách…, cán bộ giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) bắt tay xây dựng chòi đọc sách ngoài trời cho học trò.
Nguyên liệu xây dựng, ngoài khung sắt phải mua, còn lại đều tận dụng từ vật liệu có sẵn tại địa phương như tre, gỗ, lá cọ... Thầy cô hàng ngày vốn chỉ cầm phấn bút, dạy học nay trở thành thợ hàn, thợ xây, tự đo đạc thiết kế, trang trí sơn sửa rất chuyên nghiệp.
Thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chòi đọc sách được giáo viên thiết kế và thi công hơn 1 tuần. Các thầy cô dù ở xa hay gần đều tự nguyện nán lại để cùng nhau hoàn thiện công trình. Mỗi người mỗi việc, tự giác và chia sẻ, không so bì việc nặng nhẹ, ít nhiều…
“Các thầy cô đều vui, hạnh phúc, phát huy tinh thần trách nhiệm với công việc. Với giáo viên vùng cao, trường học là ngôi nhà thứ 2. Khi xa nhà, học sinh là “con” nên luôn sẵn sàng, nhiệt tình cống hiến …”, thầy Công nói.
Theo ước tính của nhà trường, nếu chòi đọc sách được thuê nhân công lắp đặt, sơn sửa hoàn toàn sẽ tốn khoảng 10 triệu đồng. Nhưng để giáo viên tự làm vừa tiết kiệm cho nhà trường mà vẫn đảm bảo kỹ thuật, bền đẹp không kém. Như vậy, bước vào năm học mới, học sinh có thêm không gian học tập, thư giãn, phát triển văn hóa đọc, nâng cao chất lượng dạy học…
Cũng như toàn bộ giáo viên khối 3 chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018, cô Ôn Thị Lý, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) sẽ dành nhiều thời gian để tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng
Theo cô Lý, năm thứ 3 triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới đã tiếp cận làm quen song để hiệu quả, thành công khi dạy học đòi hỏi giáo viên tích cực, tự nghiên cứu, bồi dưỡng.
Mặt khác, muốn tập huấn sách giáo khoa hiệu quả, lĩnh hội đủ yêu cầu, tìm ra những vấn đề cần trao đổi với chủ biên, tác giả sách… đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ sách, tài liệu liên quan...
“Tâm thế của giáo viên đã sẵn sàng. Song việc triển khai thực tế nhất định phải đầu tư công sức kỹ càng. Dù nghỉ hè, giáo viên vẫn hiểu rõ trách nhiệm, chủ động bắt nhịp đổi mới…”, cô Lý bày tỏ.
Thầy Phạm Văn Mạnh, giáo viên Trường Tiểu học xã Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) dù nghỉ hè muộn hơn thông thường nhưng cũng xác định tâm thế trả phép trở lại trường sớm hơn (cuối tháng 7) để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh.
“Dịch bệnh khiến việc học tập của học sinh đôi khi gián đoạn, trường không triển khai được dạy học trực tuyến. Cuối năm học vẫn còn một số ít chưa đảm bảo yêu cầu. Những em đạt yêu cầu thì viết và đọc cần được hỗ trợ bổ sung thêm.
Nếu nền tảng lớp 1 không vững chắc lên lớp 2, việc dạy và học của thầy trò càng vất vả. Do đó, giáo viên sẽ phải nỗ lực, dành thời gian phụ đạo để học trò vững vàng bước vào năm học…”, thầy Mạnh trao đổi.
Giáo viên tập huấn, bồi dưỡng Chương trình, sách giáo khoa mới trong hè |
Phát huy nhiệt huyết
Theo thầy Mạnh, học sinh tại điểm trường mình phụ trách, những tháng nghỉ hè thường theo mẹ đi nương rẫy, có tâm lý ngại trở lại học tập. Để đảm bảo đông đủ học sinh đầu năm học mới, giáo viên cần có thời gian huy động, khởi động thói quen, nền nếp cho học sinh từ trước đó.
Thời gian nghỉ hè 3 tháng nhưng giáo dục đang ở quá trình đổi mới. Trong năm học, các nhà trường, giáo viên chủ yếu dành thời gian cho việc dạy và học, hoạt động quan trọng khác như bồi dưỡng, tập huấn, tu sửa trường lớp, bổ sung kiến thức, phụ đạo miễn phí cho học trò nghèo… đều gác lại để triển khai trong hè. Do đó, 3 tháng hè với giáo viên không mấy khi trọn vẹn.
Tuy nhiên, các thầy cô luôn ý thức được công việc, nhiệm vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao với trường lớp, học trò nên chủ động, linh hoạt sắp xếp công việc gia đình, trường lớp, chuyên môn.
Thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Quản Bạ) chia sẻ: Dịch Covid-19 khiến thời gian kết thúc năm học muộn hơn một tháng so với mọi năm.
Không những thế, giáo viên vùng cao luôn trả phép hè sớm hơn để huy động học sinh trở lại trường lớp, vệ sinh khuôn viên phòng học đón học trò. Bởi vậy thời gian nghỉ hè ít hơn là tất yếu nhưng thầy cô đều tâm huyết, hiểu việc và sẵn sàng tâm thế cho công việc.
Cô Nguyễn Hồng Hải, giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ: Mùa hè cũng là “mùa” bồi dưỡng, tập huấn, trông thi, chấm thi… Tất cả hoạt động giáo dục này không thể bỏ hoặc trì hoãn nên đội ngũ giáo viên các cấp bậc học đều quen và sẵn sàng tâm thế cho mùa hè sôi động, giảm thời gian nghỉ ngơi. Hơn thế, tình yêu nghề, yêu trò sẽ giúp họ sắp xếp hài hòa giữa cuộc sống và công việc.