Mở cửa trường hè: Để kỳ nghỉ bổ ích

GD&TĐ - Sau dịch bệnh, nhiều trẻ sống thu mình và “cùn mòn” kỹ năng giao tiếp. Mùa hè đến trong bình thường mới với những hoạt động bổ ích, lành mạnh tại nhà trường, trung tâm văn hóa… đã “kéo” trẻ ra khỏi máy tính, điện thoại và cân bằng tinh thần, tăng cường thể chất, kỹ năng sống…

Vui chơi bổ ích giúp trẻ năng động, khỏe mạnh… Ảnh: IT
Vui chơi bổ ích giúp trẻ năng động, khỏe mạnh… Ảnh: IT

Học kỳ xả hơi

Tận dụng sân chơi, bãi tập rộng rãi cùng sự hỗ trợ của các thầy cô dạy môn Thể dục, kết hợp Đoàn Thanh niên phường, Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tổ chức khóa bóng đá, aerobic… miễn phí cho học sinh trong thời gian nghỉ hè. Chị Nguyễn Thúy Quỳnh có con học lớp 8 tại trường chia sẻ: Sau một thời gian dài học online, việc tham gia các hoạt động thể dục thể thao, lớp kỹ năng… rất cần thiết, bổ ích để giúp trẻ cân bằng tinh thần, thể chất.

“Con chủ động chuẩn bị bộ đồ luyện tập, giày đá bóng để mỗi tuần 3 buổi đến trường chơi, luyện tập, giao tiếp cùng thầy cô bạn bè. 3 tháng nghỉ hè, bố mẹ không thể trông hoặc “nhốt” con ở nhà hoàn toàn. Do đó, các hoạt động thể chất, kỹ năng của nhà trường được gia đình ủng hộ, học sinh phấn khởi, háo hức. Dù mới tham gia thời gian ngắn nhưng có thể cảm nhận các con năng động hơn, tinh thần sảng khoái, tăng cường tính chủ động tự giác trong hoạt động cá nhân và đặc biệt không dành thời gian cho điện thoại như trước…”, chị Quỳnh chia sẻ.

Trước khi nghỉ hè, gia đình anh Hà Trung Dũng, phụ huynh học sinh Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) tham khảo một số lớp dạy kỹ năng sống, nữ công gia chánh cho con gái học lớp 6 và lớp bóng rổ, bơi lội cho con trai học lớp 8. Các con được chọn hoạt động ngoại khóa, môn thể thao mình thích trong thời gian nghỉ hè.

Anh Dũng cho biết: Con gái vui vì đã biết cách nấu súp, làm một số loại bánh đơn giản, học được các kỹ năng lựa chọn thực phẩm. Con áp dụng những kỹ năng được học tại gia đình. Còn con trai chọn bơi lội nên các buổi sáng hoặc chiều đều được vận động thể chất, tinh thần cởi mở, giao tiếp với bạn bè và người thân nhiều hơn.

Nguyễn Hà Linh, học sinh lớp 10 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), chia sẻ: Em đã lên sẵn kế hoạch trong thời gian nghỉ hè. Mỗi tuần, em sẽ đến thư viện trường, hoặc thư viện Hà Nội đọc sách 1 - 2 buổi, cùng các bạn trong câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật tập luyện các bài nhảy mới; Đến một số bảo tàng để tìm hiểu và tăng cường tiếng Anh giao tiếp; Tham gia khóa bơi cùng các bạn…

Sau 2 năm học trực tuyến và đặc biệt bước qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khá áp lực, mùa hè năm nay em muốn được “xả hơi” đúng nghĩa, tham gia hoạt động mình thích, giao tiếp với bạn bè nhiều hơn… Và sẽ không tham gia các khóa học văn hóa nào theo hình thức trực tuyến.

Vận động ngày hè giúp trẻ cân bằng tinh thần, phát triển thể chất. Ảnh: IT

Vận động ngày hè giúp trẻ cân bằng tinh thần, phát triển thể chất. Ảnh: IT

Cân bằng thể chất, tinh thần

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục) khẳng định, việc học sinh tham gia hoạt động vui chơi tập thể, thư giãn, tiếp xúc trực tiếp, các khóa học kỹ năng, thể dục thể thao… trong thời gian nghỉ hè cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Bởi vừa trải qua thời gian dài học tập, sinh hoạt trong môi trường trực tuyến có thể dẫn các em tới rối loạn hoặc phát triển tâm lý lệch lạc. Nhiều học sinh mắc các bệnh như rối loạn, trầm cảm, tăng động, rối loạn nhận thức…

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng đặc biệt lưu ý phụ huynh không ép trẻ học tập trong hè, hoặc định hướng các khóa học mà bản thân trẻ không thích, không có nhu cầu. Sau một thời gian thay đổi thói quen, nền nếp, phương thức học tập thì điều trẻ cần là hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường mới, cân bằng tâm lý, phát triển thể lực….

“Nhà trường mở cửa thư viện trong thời gian nghỉ hè để học sinh có chỗ đọc sách truyện miễn phí, bổ ích, mát mẻ, an toàn và được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, chúng em rất thích. Thủ thư đã hướng dẫn cách đọc, giới thiệu sách truyện mới, chúng em cùng nhau diễn kịch theo truyện, phát triển trí tưởng tượng trong thế giới cổ tích. Hoạt động phong phú tại trường đã “cách ly” chúng em với thế giới mạng, game online, tán gẫu trực tuyến…”, em Nguyễn Minh Hoàng, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), chia sẻ.

Dù học trực tuyến, trẻ cũng đã hoàn thành các yêu cầu cơ bản của chương trình. Bởi vậy, mùa hè sẽ để trẻ được vui chơi, giao tiếp với bạn bè, thư giãn, vận động phát triển thể lực hoàn toàn. Chia sẻ điều này, chị Đỗ Ngọc Quyên, phụ huynh Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), thừa nhận: Mới bước vào hè nhưng thấy trẻ vui tươi, năng động, tinh thần sảng khoái. Đặc biệt, thể chất tăng cường hơn bởi vận động, bơi lội thường xuyên.

“Dịch bệnh đã ổn định, cha mẹ cần tạo cho trẻ cơ hội sớm tham gia hoạt động xã hội, giúp cân bằng tâm lý, tinh thần, không bị lệ thuộc và dành nhiều thời gian cho máy tính, điện thoại, mạng xã hội. Sức khỏe tinh thần, thể chất của trẻ là vấn đề cần được gia đình, bố mẹ quan tâm và có giải pháp phù hợp…”, chị Quyên bày tỏ.

“Chưa bao giờ thiếu giáo viên căng thẳng như năm học này” - Đó là tâm sự của ông Đoàn Văn Phương với phóng viên Báo GD&TĐ. Ông Phương cho biết: “Tính đến đầu tháng 12/2019, ngành GD huyện còn thiếu 254 biên chế, trong đó số giáo viên (GV) cần bổ sung gấp là 152 người. Đó là tính theo số lớp hiện có của toàn huyện. Còn theo định biên như quy định của Bộ GD&ĐT thì con số biên chế còn thiếu của GD Đắk Glong lên tới gấp đôi - khoảng 500 người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.